Bố mẹ của David Sneddon tin rằng năm 2004, các điệp viên Triều Tiên với sự trợ giúp của các quan chức Trung Quốc đã bắt cóc sinh viên Mỹ này khi cậu leo núi ở tỉnh Vân Nam, gần biên giới Myanmar. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ phản bác điều này.
Choi Sung-yong, chủ tịch Hội gia đình của những người bị bắt cóc có trụ sở tại Seoul, thì cho biết ông có thông tin từ một người ở Bình Nhưỡng cho thấy Sneddon đang ở Bình Nhưỡng. Sneddon nay đã 36 tuổi và có tên tiếng Triều Tiên là Yoon Bong-soo. Anh kết hôn với một phụ nữ tên Kim Eun-hae và có hai con, một trai, một gái, theo Washington Post.
Mất tích hay bị bắt cóc?
Choi Sung-yong nhận định Sneddon bị bắt cóc đưa đến Bình Nhưỡng vì cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il yêu cầu các con của ông, gồm lãnh đạo Triều Tiên hiện nay Kim Jong-un phải được một người bản ngữ dạy kèm tiếng Anh và văn hóa Mỹ.
"Sneddon có độ tuổi ngang bằng các con của ông Kim Jong-il", Choi nói.
Câu chuyện bắt đầu khi Sneddon, một sinh viên 24 tuổi của đại học Brigham Young (BYU) ở bang Utah, Mỹ, sắp hoàn tất khóa học tiếng Trung ở Bắc Kinh vào mùa hè năm 2004. Sneddon từng học tiếng Hàn và đã đi truyền giáo hai năm ở Hàn Quốc. Anh định theo học lớp tiếng Trung vào năm cuối ở BYU.
"Nó đến Bắc Kinh vào mùa hè đó để học trước tiếng Trung. Vì khóa học đã hoàn tất nên nó đi thăm thú một số thắng cảnh du lịch nổi tiếng ở đông nam Trung Quốc trước khi trở về", ông Roy, cha của Sneddon, nói.
Sneddon đã leo núi ở Hổ Khiêu Hiệp (Hẻm núi hổ nhảy), một danh lam thắng cảnh ở tỉnh Vân Nam, sát với biên giới Myanmar. Anh ghé qua một nhà hàng Triều Tiên có tên Yak Bar rồi sau đó mất tích.
Cha mẹ anh lúc đó nghĩ rằng Sneddon đã bị giới chức Trung Quốc bắt giữ. Ông Roy và hai người anh em trai của David đến Hồ Khiêu Hiệp để tìm hiểu sự việc nhưng chẳng nắm được gì hơn ngoài thông tin cho rằng anh bị trượt chân xuống hẻm núi và tử vong.
Vụ việc rơi vào bế tắc cho đến cách đây 4 năm, khi cha mẹ của Sneddon nhận được cú điện thoại từ một người ở Hàn Quốc nói rằng có nghe được thông tin về một người đàn ông có diện mạo giống con trai họ, đang sống tại Bình Nhưỡng. Trước đó, gia đình Sneddon không nghĩ đến khả năng Triều Tiên có liên quan đến vụ mất tích của con trai.
Tuy nhiên, khi suy xét kỹ họ nhận thấy có một sự việc lạ đã xảy ra. Trong một lần Sneddon đi mua sắm ở một siêu thị tại Bắc Kinh, một phụ nữ Triều Tiên tiếp cận anh và nói rằng con cái của chị ta không nói nhiều tiếng Triều Tiên được ở Trung Quốc, và đề nghị Sneddon dạy kèm cho chúng.
Ngoài ra, Sneddon còn có một người bạn truyền giáo ở thành phố biên giới Diên Cát, Trung Quốc, sát Triều Tiên, nơi trở thành điểm quá cảnh đầu tiên của những người đào tẩu khỏi Triều Tiên. Liệu người mẹ đó có giăng bẫy để bắt cóc Sneddon? Hoặc Sneddon và bạn anh đã giúp người Triều Tiên đào tẩu nên bị Triều Tiên bắt giữ?
"Nó có liên quan đến người Triều Tiên theo hai cách đó. Chúng tôi đi đến kết luận rằng David hoặc bị bắt giữ hoặc bị bắt cóc. Hoàn cảnh xuất thân hoặc ngôn ngữ của nó hẳn là một trong những lý do cho các khả năng này", ông Roy nói.
Đồn đoán về tiền lệ
Trong vài năm qua, một số tờ báo Nhật thỉnh thoảng lại nêu ra khả năng Sneddon bị Triều Tiên bắt cóc, điều mà một số quan chức ở Washington xem như là một phần nỗ lực của Nhật để chính phủ Mỹ quan tâm hơn đến vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật.
Theo Washington Post, có những đồn đoán rằng trong thập niên 70 và 80, theo mệnh lệnh của ông Kim Jong-il, một số người nước ngoài đã bị bắt cóc và đưa về Triều Tiên, trong đó có ít nhất17 công dân Nhật, nhằm huấn luyện các điệp viên Triều Tiên về văn hóa và tiếng Nhật.
Một đạo diễn và một nữ diễn viên Hàn Quốc có tiếng tăm cũng được cho là bị bắt cóc theo lệnh của ông Kim Jong-il - người hâm mộ phim ảnh.
Trong cùng thời gian này, những phụ nữ Thái Lan, Romani và Lebanon cũng bị bắt cóc. Doina Bumbea, một phụ nữ người Romani bị bắt cóc vào năm 1978 và biệt tăm cho đến năm 2007, khi cô xuất hiện trong một bộ phim tài liệu về James Dresnok, lính Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và cưới Doina Bumbea.
Tuy nhiên, Triều Tiên được cho là chưa bao giờ bắt cóc người Mỹ nào, dù trong những năm gần đây, họ đã bắt giữ một vài người Mỹ đến nước này. Hai người Mỹ gồm Otto Warmbier, sinh viên Đại học Virginia và nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Kim Dong-chul vẫn đang bị Triều Tiên cầm giữ.
Giờ đây, ông Choi cho biết ông chắc chắn khoảng "50-70%" về thông tin ông có được từ Bình Nhưỡng. Ông Choi từng là người đầu tiên nắm được thông tin về Kim Young-nam, công dân Hàn Quốc bị Triều Tiên bắt cóc và đã cưới Megumi Yokota, một phụ nữ Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc khi còn là nữ sinh.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu vụ việc của Sneddon với các nhà ngoại giao Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không yêu cầu các nhà ngoại giao Thụy Điển ở Bình Nhưỡng, những người được ủy nhiệm đại diện cho các lợi ích Mỹ ở Triều Tiên, thảo luận vụ việc này với giới chức Triều Tiên.
"Chúng tôi không có bằng chứng cho thấy cậu ấy bị bắt cóc", quan chức này cho biết và nói thêm rằng cũng không có bằng chứng về người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không nên nhanh chóng gạt bỏ vụ việc. "Có khả năng rất cao Sneddon đã bị bắt cóc", Robert Boynton, tác giả một cuốn sách về Triều Tiên, khẳng định. Greg Scarlatoiu, giám đốc điều hành Ủy ban Nhân quyền ở Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Washington, cũng tin rằng Sneddon bị đưa đến Triều Tiên.
"Tại sao họ phải làm thế? Tại sao họ phải bỏ ra nhiều nỗ lực như vậy chỉ để có một giáo viên dạy tiếng Anh? Tuy nhiên, Triều Tiên đã làm chuyện này trước đây", Boynton nói khi ám chỉ đến thông tin cho rằng những người Nhật bị bắt cóc và đưa đến Bình Nhưỡng để dạy tiếng Nhật.
Xem thêm: Trung - Triều vẫn tấp nập giao thương sau vụ thử hạt nhân lần 5
Đội 'thích khách' ám sát lãnh đạo Triều Tiên của tình báo Hàn Quốc
Hồng Vân