Thử thách "How much have you changed" (Bạn đã thay đổi ra sao) đang thu hút người dùng toàn thế giới với hơn 3,4 triệu bài đăng. Trào lưu yêu cầu người chơi chia sẻ ảnh đại diện đầu tiên và ảnh đại diện hiện tại cùng hashtag #howmuchhaveyouchangedchallenge. Streamer Cris Phan là một trong những nghệ sĩ đầu tiên lăng xê thử thách. Bài viết của nhân vật này thu về 82.000 lượt thích sau một ngày đăng tải.
Tuy nhiên, theo Wired, những thử thách kiểu này sẽ mang về nguồn dữ liệu khổng lồ cho đơn vị phát triển, giúp họ đào tạo AI trong những thuật toán nhận dạng hình ảnh liên quan đến tuổi. Cụ thể hơn là sự tiến triển về tuổi tác.
Hơn nữa, người dùng những trào lưu này thường mô tả chính xác thông tin của hai bức ảnh, như thời gian, địa điểm, thậm chí gắn thẻ địa điểm hoặc "tag" người đi cùng mình. So với hàng trăm bức ảnh đại diện được đăng ngẫu nhiên, trào lưu này vô tình tạo ra một lượng dữ liệu chất lượng, được chính người dùng sàng lọc kỹ lưỡng. Không phải ngẫu nhiên mà các trào lưu so sánh ảnh thường yêu cầu người dùng chọn những tấm ảnh chân dung cá nhân.
Một số nhà phân tích cũng lưu ý rằng các trào lưu thường được bắt đầu bằng hashtag để "tạo trend". Người dùng có xu hướng đặt niềm tin và nghiêm túc hơn với những chiến dịch có gắn hashtag. Nếu đơn vị phát triển không sử dụng kho dữ liệu hình ảnh này, vẫn có hàng trăm nghìn tổ chức khác dễ dàng tải về các hình ảnh đó chỉ bằng thao tác nhấp vào hashtag.
Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu hình ảnh của người dùng mạng xã hội bị sử dụng cho các mục đích đào tạo AI nhận diện khuôn mặt là khó tránh. Tuy nhiên, dữ liệu bị sử dụng vào mục đích gì và mức độ rủi ro đến đâu. Trong tình huống an toàn nhất, dữ liệu hình ảnh có thể được sử dụng cho những mục đích tốt, như giúp cảnh sát tìm kiếm những đứa trẻ bị mất tích dựa trên phân tích thay đổi khuôn mặt theo thời gian. Tệ hơn, chúng có thể được dùng vào mục đích quảng cáo. Dữ liệu này không chỉ xác định độ tuổi người dùng mà còn phân tích chéo nhiều thông tin, như địa điểm, hành vi tiêu dùng để hướng quảng cáo chính xác hơn. Trong tình huống xấu nhất, hình ảnh người dùng có thể được các tổ chức sử dụng cho mục đích thương mại. Nếu một công ty tư nhân như Palantir có thể bán các công cụ nhận dạng hình ảnh cho cảnh sát, giúp chống khủng bố, cũng có thể sẽ có nhiều tổ chức khác dùng những công cụ tương tự cho những mục đích phi pháp mà người dùng không thể hình dung hết hậu quả của nó.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia về AI đang công tác tại viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tại Mila, Canada, dữ liệu khuôn mặt đang được dùng làm công cụ để làm ra các phần mềm AI nhận diện khuôn mặt, dự đoán tuổi, cảm xúc, thậm chí là deepfake. "Thực tế, việc thu thập dữ liệu khuông mặt diễn ra hàng ngày, các trào lưu chỉ góp phẩn đẩy mạnh những dữ liệu sẵn có theo chủ đề nhất định, trường hợp 'Bạn thay đổi ra sao' trên Facebook là chủ đề tuổi tác", ông Phong nói.
Với thử thách "How much have you changed" đang "làm mưa, làm gió" trên Facebook, nền tảng này tuyên bố: "Đây là trào lưu do người dùng tự hình thành. Facebook không liên quan. Thực tế, họ đã dùng những hình ảnh có sẵn trong kho dữ liệu của nền tảng. Chúng tôi không được lợi gì. Thậm chí để an toàn, mọi người có thể tắt tính năng nhận diện khuôn mặt trong phần thiết lập tài khoản".
Kim Cương