Một lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, ngay sau khi nhận thông báo của một số phi công về việc bị chiếu tia laser hồi đầu tháng 6, Cảng vụ đã cử người đi xác minh. Tuy nhiên, do cách xa khoảng 17-20 km, lực lượng chức năng không phát hiện nguồn chiếu đèn.
"Chúng tôi nghiêng về khả năng thanh niên địa phương đi chơi buổi tối nghịch ngợm sử dụng các đèn laser chiếu lên khi bay qua vùng trời đó", đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc nhận định.
Một chuyên gia an ninh an toàn hàng không (Cục Hàng không) cũng cho biết chưa có cơ sở đánh giá việc chiếu laser là âm mưu phá hoại. Có hai khả năng, một là do sự bất cẩn của người tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật gần sân bay, lúc máy bay hạ cánh vô tình chiếu tia laser vào mắt phi công. Khả năng khác là do những thanh niên “nghịch dại”, cố tình mua các thiết bị này và chiếu lên máy bay.
“Hiện thị trường có bán các loại đèn chiếu tia laser xanh và bất kỳ ai cũng có thể mua dễ dàng. Do đó, một số thanh niên có thể nghịch ngợm mà chiếu đèn lên máy bay, giống như các trường hợp ném đá lên xe khách, tàu hỏa”, cán bộ an ninh an toàn hàng không nói.
Theo chuyên gia Cục Hàng không, đây không phải lần đầu tiên Cảng hàng không Nội Bài ghi nhận các trường hợp phi công bị chiếu đèn laser. Trước đó hồi tháng 3, tại sân bay Pleiku (Gia Lai), khi tàu bay của Vietnam Airlines hạ cánh đã xảy ra hiện tượng buồng lái bị chiếu ánh sáng laser gây chói mắt phi công.
Cùng thời gian, máy bay của Jetstar đang hạ cánh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, phi công của hãng thấy hiện tượng như bị tia laser chiếu vào mắt.
Tại sân bay Nội Bài, 5 tháng đầu năm ghi nhận một trường hợp phi công trình báo bị chiếu đèn laser.
Theo các chuyên gia, có 2 loại gồm tia laser đỏ, thường thấy là các bút laser dùng để chỉ trong khi trình chiếu tài liệu. Một loại khác là tia laser xanh, có bước chiếu xa hơn, được ứng dụng trong công nghệ trình chiếu ánh sáng. Người thường nếu bị laser xanh chiếu vào mắt với cường độ cao có thể tổn thương giác mạc, thậm chí mù vĩnh viễn.
"Việc chiếu laser vào mắt phi công có thể gây ra tình trạng mù tạm thời. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu lúc đó phi công đang điều khiển máy bay cất, hạ cánh", chuyên gia an ninh hàng không nói và kiến nghị các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và lưu thông đèn laser để người sử dụng không dễ dàng tìm mua và sử dụng không đúng mục đích.
Dù chưa có hậu quả nghiêm trọng, song ông Đinh Việt Sơn, Chánh văn phòng Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, nhấn mạnh việc này vi phạm các quy định của quốc tế và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng.
Theo ông Sơn, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo các quốc gia ngăn ngừa việc sử dụng đèn laser làm ảnh hưởng hoạt động bay. Ủy ban An ninh hàng không quốc gia đã yêu cầu nhà chức trách địa phương rà soát, có biện pháp khuyến cáo không sử dụng đèn laser gây nguy hiểm cho hoạt động bay.
Ủy ban đề xuất các sân bay cần chủ động phát hiện để có biện pháp ngăn ngừa; tổ chức, cá nhân sử dụng các loại đèn laser phải xin phép chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền và thông báo với sân bay gần đó.
Theo Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, nửa đầu tháng 6/2016, cơ quan này đã ghi nhận 4 vụ chiếu tia laser vào máy bay đang cất, hạ cánh tại Nội Bài (Hà Nội). Gần đây nhất ngày tối 14/6, tổ bay VJ174 của VietJet (chặng TP HCM - Hà Nội) bị đèn chiếu vào khi đang chuẩn bị hạ cánh.
Cơ quan này đã gửi văn bản tới TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... yêu cầu tăng cường tuyên truyền tới người dân, ngăn chặn việc chiếu đèn laser.
Đoàn Loan