Các quan chức và nhà nghiên cứu Mỹ tin rằng ít nhất 6 cơ quan chính phủ kể từ hồi tháng ba đã bị tấn công dữ liệu và hàng nghìn công ty nước này đã bị nhiễm phần mềm độc hại trong một chiến dịch tấn công mạng được cho là lớn nhất thập kỷ. Thông tin trên chỉ được công khai vào ngày 8/12 khi công ty bảo mật FireEye lên tiếng thừa nhận bị tin tặc xâm nhập.
Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng An ninh Mỹ (CISA) hôm 17/12 cho biết nhiều cơ quan chính phủ, cơ sở hạ tầng thiết yếu và các tổ chức tư nhân đã bị nhắm mục tiêu bởi "tác nhân đe dọa tinh vi". CISA không xác định được ai đứng sau vụ tấn công bằng mã độc này, nhưng các công ty an ninh tư nhân cáo buộc thủ phạm là tin tặc liên quan đến chính phủ Nga.
Bình luận về sự việc trên, Thượng nghị sĩ Romney nói vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ đã tạo ra những "tác hại phi thường" nhưng Tổng thống Donald Trump luôn có "một điểm mù" khi nhắc tới Nga.
"Chúng tôi đã nhận ra rằng Tổng thống có một điểm mù khi đề cập đến Nga", ông nói.
Trump chỉ thừa nhận về các vụ tấn công mạng vào ngày 19/12, gần một tuần sau khi hãng thông tấn Reuters đưa tin. Ông hạ thấp mức độ nghiêm trọng cử sự việc và đặt câu hỏi liệu Nga có thực sự là bên phải chịu trách nhiệm hay không.
Những tiết lộ về vụ tấn công mạng được đưa ra vào đúng thời điểm mà chính phủ Mỹ đang bận rộn với cuộc chuyển giao quyền lực tổng thống và gặp không ít khó khăn trong nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19.
Trả lời phỏng vấn kênh ABC, Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cho hay các cuộc tấn công mạng có thể vẫn tiếp diễn và giới chức chưa xác định được phạm vi của nó.
Cả Warner và Romney đều cho rằng Mỹ cần phải phản ứng trước sự việc. Theo các nguồn thạo tin, đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ cân nhắc nhiều lựa chọn nhằm trừng phạt Nga về vai trò bị nghi ngờ trong các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ, từ biện pháp trừng phạt tài chính đến tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng Nga.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)