Trong thư gửi chủ tịch ủy ban giải Nobel Hòa bình Berit Reiss-Andersen được công bố hôm 3/2, nhóm 5 nghị sĩ đảng Dân chủ và 4 nghị sĩ đảng Cộng hòa, do thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio dẫn đầu, đề cử phong trào biểu tình Hong Kong năm 2019 cho giải Nobel Hòa bình năm nay.
Việc đề cử của nhóm nghị sĩ, gồm một số người từng bảo trợ luật hỗ trợ trừng phạt quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục, là động thái mới nhất của Mỹ nhằm vào giới chức Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong.
Trung Quốc hiện chưa phản ứng trước động thái của nhóm nghị sĩ Mỹ.
Với Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, được ký thành luật năm 2019, Rubio đã góp phần định hình lập trường cứng rắn mà Mỹ thực hiện từ khi biểu tình Hong Kong bùng phát. Dimitar Gueorguiev, giáo sư khoa học chính trị tại Trường Công dân và Công vụ thuộc Đại học Syracuse, Mỹ, nhận định nỗ lực này "nhấn mạnh rằng Mỹ chưa từ bỏ áp lực đối với Trung Quốc".
Hàng triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình suốt nhiều tháng trong năm 2019 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm sang xét xử tại các khu vực tài phán mà thành phố chưa ký hiệp ước dẫn độ, gồm Trung Quốc đại lục. Một số cuộc biểu tình trở nên bạo lực hơn khi chính quyền của Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chối đáp ứng yêu cầu của người biểu tình.
Trung Quốc tuyên bố tình trạng bất ổn ở Hong Kong "chà đạp nghiêm trọng thượng tôn pháp luật và trật tự xã hội", thách thức nguyên tắc cơ bản của mô hình một quốc gia, hai chế độ. Trung Quốc cũng nhiều lần lên án hành vi bạo lực của người biểu tình giống như "khủng bố" và có biểu hiện của cách mạng màu, thuật ngữ được dùng để chỉ phong trào biểu tình ở Đông Âu vào những năm 2000.
Vào năm 2018, một nhóm nghị sĩ do Rubio dẫn đầu đề cử các nhà hoạt động Joshua Wong, Nathan Law và toàn bộ phong trào biểu tình "dù vàng" năm 2014 ở Hong Kong cho giải Nobel Hòa bình. Wong tuần trước nhận tội tham gia tụ tập trái phép và vi phạm lệnh cấm đeo khẩu trang.
Huyền Lê (Theo SCMP)