"Sau vụ nổi loạn tháng trước, tương lai của Wagner trở nên không chắc chắn. Khi Wagner đang dễ bị tổn thương nhất, đó là lúc chúng ta hành động", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Alicia Kearns cho biết trong báo cáo được công bố hôm 25/7.
Bà Kearns cho rằng chính phủ Anh "thiếu hiểu biết sâu sắc về ảnh hưởng của Wagner bên ngoài châu Âu, đặc biệt là với các quốc gia châu Phi".
"Trong 10 năm từ khi mạng lưới Wagner hình thành, chính phủ Anh đã thiếu chiến lược chặt chẽ cũng như không nỗ lực giải quyết vấn đề về nhóm này. Điều này khiến Wagner phát triển, lan rộng tới châu Phi và lợi dụng các nước đang xảy ra tình trạng bất ổn", bà Kearns nói thêm.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh cho rằng nếu để Wagner tiếp tục phát triển, Anh và các đồng minh sẽ đối mặt với những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Cơ quan này thúc giục chính phủ Anh khẩn trương liệt Wagner vào danh sách "tổ chức khủng bố", điều mà tới nay London chưa muốn thực hiện.
Anh năm 2020 áp lệnh trừng phạt trùm Wagner Prigozhin và toàn bộ tập đoàn quân sự tư nhân này hồi tháng 3/2022. Tuần trước, London tiếp tục trừng phạt các cá nhân, doanh nghiệp có liên kết với Wagner ở Cộng hòa Trung Phi, Mali và Sudan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho biết nước này đã áp trừng phạt mạnh mẽ với Wagner và lãnh đạo nhóm này cùng một số chỉ huy chủ chốt.
Prigozhin hôm 24/6 tiến hành cuộc nổi loạn, điều lính Wagner kiểm soát sở chỉ huy Quân khu miền Nam Nga và tiến quân về Moskva. Cuộc nổi loạn chấm dứt trong ngày theo thỏa thuận do Tổng thống Belarus làm trung gian.
Wagner sau đó dựng căn cứ mới tại làng Tsel, Belarus, và Prigozhin cũng mở một công ty bất động sản tại đây. Ngoài tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, Prigozhin còn là tỷ phú sở hữu đế chế kinh doanh phức tạp, với nguồn thu nhiều tỷ USD, trong đó có cung ứng thực phẩm và kinh doanh bất động sản.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)