Kẻ tinh nghi nã súng giết hại hai phóng viên của đài WDBJ7 trong lúc họ đang thực hiện phỏng vấn trực tiếp vào sáng qua được xác định là Vester Flanagan, một cựu nhân viên WDBJ. Người đàn ông này trước đây thường xuất hiện trên truyền hình dưới tên Bryce Williams.
Flanagan, 41 tuổi, tự sát bằng súng khi bị cảnh sát truy đuổi trên một đường cao tốc ở Virginia, vài giờ sau khi bắn chết phóng viên Alison Parker và Adam Ward, Reuters dẫn lời nhà chức trách cho biết.
Hai giờ sau khi gây ra vụ việc, Flanagan gửi tới ABC News một bức thư dài 23 trang cho hay ông ta có ý định thực hiện cuộc tấn công sau khi chứng kiến vụ xả súng hàng loạt xảy ra hôm 17/6 tại một nhà thờ dành cho người da đen ở Charleston, Nam Carolina, khiến 9 người thiệt mạng.
Flanagan nói ông ta phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc, hành vi quấy rối tình dục và bị chèn ép ở nơi làm việc. "Vụ xả súng ở nhà thờ là sự kiện bùng phát... nhưng sự giận dữ của tôi thì liên tục được chất chồng thêm từ trước", Flanagan viết trong thư. "Tôi như một thùng thuốc súng chỉ chờ bùng nổ".
Flanagan hôm qua đăng tải dòng thông điệp trên mạng xã hội Twitter cáo buộc bà Parker từng đưa ra những bình luận phân biệt chủng tộc đối với ông ta. Một dòng trạng thái khác của Flanagan nói chính Ward cũng gửi kiến nghị lên bộ phận nhân sự của WDBJ sau khi anh này và Parker được xếp làm việc chung.
Tài khoản Twitter của Flanagan còn đăng đoạn video ghi lại cảnh ông ta nổ súng cướp đi sinh mạng của hai cựu đồng nghiệp. Video tương tự cũng xuất hiện trên tài khoản Facebook lấy tên Bryce Williams.
Một người khó chịu
Theo Telegraph, Flanagan tốt nghiệp ngành phóng viên truyền hình tại Đại học San Francisco và bắt đầu sự nghiệp với vai trò thực tập sinh mảng tin tức tại KPIX-TV vào năm 1993.
Năm 1997, Flanagan trở thành người dẫn chương trình bản tin cho kênh WTWC ở Florida, sử dụng tên Bryce Williams từ đây. Nhưng, sự nghiệp truyền hình của Flanagan bắt đầu xuống dốc vào tháng 3/2000, khi ông này bị WTWC sa thải vì "có hành động kỳ quặc và đe dọa các nhân viên khác".
Flanagan kiện WTWC, khẳng định ông bị phân biệt chủng tộc, đồng thời yêu cầu bồi thường 75.000 USD. Flanagan tố cáo một nhà sản xuất ở vị trí quản lý cấp cao gọi ông ta là "con khỉ". Đơn kiện của Flanagan đề cập đến việc một đồng nghiệp da trắng có những lời lẽ thể hiện sự phân biệt chủng tộc khi nhận xét "người da đen là lười biếng và không biết tận dụng những khoản tiền miễn phí", ý nói các học bổng đại học. Flanagan cho hay một đồng nghiệp khác còn gọi ông là "tên côn đồ".
Vụ việc được dàn xếp vào năm 2001. Flanagan sau đó trở thành nhân viên tại Bank of America và Công ty Điện lực, Khí đốt Thái Bình Dương.
Năm 2002, Flanagan trở lại làm phóng viên và nhà sản xuất cho kênh WNCT ở Bắc Carolina nhưng rời đi hai năm sau đó. Flanagan dành 7 năm tiếp theo công tác tại phòng truyền thông của công ty NDG Interactive.
Năm 2012, Flanagan được kênh WDBJ7 nhận làm phóng viên đa phương tiện nhưng sau chưa đầy một năm thì bị sa thải.
Larell Reynolds, cựu nhân viên của WDBJ, cho rằng Flanagan "không phải một đồng nghiệp tuyệt vời". "Ông ấy không chịu được những lời phê bình và rất hay để bụng", Reynolds nói và thêm rằng khi bị sa thải Flanagan "vô cùng giận dữ".
"Chúng tôi phải tăng cường canh phòng vào hôm ông ta bị sa thải. Một vài ngày sau, cảnh sát vẫn túc trực bên ngoài để bảo vệ đài", Reynolds cho biết.
Orlando Salinas, một nhân viên khác của WDBJ, nói Flanagan thường xuyên phàn nàn về vấn đề phân biệt chủng tộc ở nơi làm việc. Salinas kể, trước khi rời đài, Flanagan gây ra một "vụ náo động". WDBJ phải nhờ đến cảnh sát áp giải ông ta khỏi trụ sở.
Jeffrey Marks, giám đốc đài WDBJ7, cho hay sở dĩ Flanagan bị đối xử như vậy bởi ông ta không kiểm soát nổi cơn tức giận khi nhận quyết định sa thải. "Vester là một người khó chịu", Marks nhân xét. "Ông ta nhanh chóng bị mọi ngươi coi là một đồng nghiệp khó có thể hợp tác cùng".
Vũ Hoàng