Đỗ Nam Khánh, 18 tuổi, là cựu học sinh lớp 12D5, trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh. Nam sinh thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng, được miễn thi tốt nghiệp THPT 2024.
Dù vậy, Khánh đã đỗ 6 trường đại học, gồm: Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Sư phạm Hà Nội, Công nghệ TP HCM, FPT, Hoa Sen và Duy Tân bằng phương thức xét học bạ.
Nhận thư trúng tuyển, Khánh mừng phát khóc.
"Em ôm chầm lấy mẹ và bà ngoại, nói 'con làm được rồi'", Khánh nhớ lại. Nam sinh mong những nỗ lực của mình sẽ truyền cảm hứng, đặc biệt với những bạn có hoàn cảnh tương đồng.
Khánh và mẹ Nguyễn Thị Thanh Tình (39 tuổi) sống với ông bà ngoại trong ngôi nhà nhỏ bên đường Võ Liêm Sơn, phường Nam Hà.
Chị Tình kể ngày Khánh chào đời, chồng chị bỏ đi sau khi biết con cũng mắc khiếm thị như mẹ. Khánh được chẩn đoán mắc chứng đục thủy tinh thể bẩm sinh do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam thế hệ thứ ba. Với thu nhập chính từ quầy bán đồ ăn sáng trước cửa nhà, chị Tình cố gắng vun vén để lo cho con.
Đến tuổi đi học, Khánh được mẹ đưa đến trường học như bạn bè cùng trang lứa, song luôn mang theo chiếc kính dày cộp và đèn tích điện nhỏ để nhìn cho rõ chữ. Lúc này, Khánh vẫn nhìn thấy mọi vật ở khoảng cách gần.
Năm 13 tuổi, bệnh của em trở nặng, mất hẳn thị lực. Gia đình đưa Khánh đến nhiều bệnh viện làm phẫu thuật và chữa trị song không hiệu quả. Khánh sau đó chuyển sang luyện chữ nổi (chữ braille), tập dùng điện thoại, máy tính và các công cụ hỗ trợ để việc học thuận lợi hơn.
Nam sinh nói bị sốc khi mất hẳn thị lực, nhìn xung quanh thấy toàn màu đen, luôn cảm thấy mặc cảm và tự ti. Những ngày đầu học chữ braille, đầu các ngón tay luôn đau nhói, Khánh thường ngồi một mình bên góc tường khóc. Theo Khánh, chữ braille nhiều ký tự, rất khó nhớ, vì thế mỗi ngày cậu bỏ ra 3-4 tiếng để làm quen, mang lên lớp để thầy cô và bạn bè hỗ trợ. Sau vài tháng, em cơ bản nắm bắt được hệ thống ký hiệu và quy tắc đọc, viết chữ nổi tiếng Việt.
"Cũng có lúc em nản chí, định bỏ cuộc vì thấy khó quá. Nhưng em nhớ lại lý do tại sao mình bắt đầu. Mẹ và bà ngoại đã cố gắng nuôi em khôn lớn, vì thế không được làm họ thất vọng", Khánh nói. "Em suy nghĩ tích cực, hoàn thiện bản thân theo cách tốt nhất có thể".
Mỗi khi học bài trên lớp, Khánh tập trung dùng tai để nghe giảng, cố gắng nhớ hết kiến thức cơ bản mà thầy cô giáo truyền đạt. Nam sinh cũng cố gắng sắp xếp thời gian học tập và sinh hoạt hợp lý, ưu tiên làm trước những việc quan trọng. Những lúc căng thẳng, Khánh nghe nhạc và podcasts, đọc sách bằng nhiều cách. Nam sinh cũng năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường.
Trong ba năm học tại trường THPT Phan Đình Phùng, Khánh luôn đạt học lực giỏi, riêng lớp 12 đạt 9,3 và được kết nạp Đảng. Ngoài ra, Khánh giành giải thưởng tại một số cuộc thi do mạng lưới khiếm thị Việt Nam tổ chức. Năm 2023, em là một trong 10 học sinh được Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh tuyên dương vì nỗ lực vượt khó, là người nhỏ tuổi nhất trong 21 cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Song song học kiến thức, hai năm qua, Khánh còn học biểu diễn nhạc cụ phương Tây, chuyên ngành Piano - Organ, hệ Trung cấp tại trường Cao đẳng Nguyễn Du. Cuối tháng 12/2023, em tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.
Cô Nguyễn Thị Kim Bồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D5, trường THPT Phan Đình Phùng, đánh giá bên cạnh nghị lực thì Khánh còn có tinh thần trách nhiệm rất cao.
"Thành tích của Khánh đã truyền động lực, cảm hứng cho các bạn", cô Bồng nói.
Nam sinh 18 tuổi dự định theo học ngành công tác xã hội của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Khánh cho biết thường đứng trước gương, luyện cách phát âm, bắt chước động tác đi lại trên sân khấu như các MC, để tập nói.
"Đừng cố trở thành người thành công, hãy trở thành người có giá trị", Khánh luôn tâm đắc với câu nói của nhà bác học Albert Einstein. Em cho biết lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi việc, cũng như để chuẩn bị bắt đầu một chặng đường mới.