"Lên xe từ 9 tối đêm qua, bây giờ đã 7h sáng mà mới tới Mỹ Tho, chừng nào tới Cái Bè, chừng nào tới nhà tui đây?"...
Đây là một số trong vô vàn những dòng trạng thái than thở của bạn bè, người quen và đồng nghiệp của tôi đăng trên Facebook vào chiều tối ngày 29/4 vừa qua. Những tưởng kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 dài ngày năm nay sẽ được dịp vui chơi thoả thích hay đoàn tụ với gia đình thì trước khi tận hưởng những điều đó, nhiều người phải bước qua thử thách "hành xác với kẹt xe".
Kẹt xe xảy khắp mọi nơi, trên những cung đường về quê và các lối dẫn vào các khu du lịch. Từ chiều tối ngày làm việc cuối, các cửa ngõ TP HCM kẹt cứng. Xe cộ bắt đầu đông dần, rồi ùn ứ, kẹt hẳn ở quốc lộ N2, quốc lộ 1A. Đây là những con đường dẫn về các tỉnh miền Tây. Ở cửa ngõ phía đông thành phố, tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn. Xa lộ Hà Nội đông đúc, cao tốc kẹt xe. Đèo Bảo Lộc - quốc lộ 20 con đường độc đạo từ thành phố lên Đà Lạt kẹt cứng đến chiều ngày 30/4.
Cuối tháng tư, đầu tháng năm, thời tiết nước ta bước vào mùa nắng nóng. Dưới tiết trời nắng gay gắt, hơi nóng từ đường nhựa phả lên khiến người lớn còn sây sẩm mặt mày, vậy mà tôi thấy rất nhiều đứa trẻ cũng phải chịu chung với người lớn. Xe chen xe, người chen người. Một dòng hỗn loạn chậm chạp nhích từng chút một khiến tôi không khỏi cám cảnh.
Cũng đúng thôi, 30/4-1/5 là kỳ nghỉ dài ngày nối tiếp sau Tết Nguyên đán. Nhu cầu du lịch, vui chơi của người dân như một cái lò xo được nén suốt mấy tháng, nay được dịp bung hết cỡ. Bởi thế, tâm lý người ta ùa về quê thì mình cũng ùa đi chơi khiến trăm ngàn người đổ ra đường cùng lúc khiến tắc nghẽn đường sá là điều dễ hiểu.
Nhưng có điều, vui chơi hay đoàn tụ gia đình đâu chẳng thấy, chỉ thấy đây là dịp hành xác nhiều hơn. Người về quê, tốn chục tiếng đồng hồ mới đến nhà, nghỉ ngơi, gặp gỡ người thân chưa được là bao thì phải lên lại Sài Gòn, bởi không tranh thủ thì lại gặp kẹt xe tiếp. Người đi chơi, cũng tốn hơn chục tiếng đồng hồ mới tới Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang...uể oải nhận phòng khách sạn xong thì lại ập mình vào biển người đi du lịch giống mình.
Với những điều trên, tôi nhận thấy có vài vấn đề.
Thứ nhất, người Việt đang thiếu các kỳ nghỉ lễ dài ngày để vui chơi, thư giãn. Kỳ nghỉ dài nhất trong năm là Tết Nguyên đán nhưng lại sa vào hình thức lễ nghi họ hàng, thời gian dành riêng cho bản thân và gia đình rất ít. Các kỳ nghỉ Giỗ Tổ Hùng vương, 30/4-1/5 rồi mãi đến 2/9 mới được nghỉ Quốc khánh là các kỳ nghỉ ít ngày. Chỉ khi nào trùng với dịp cuối tuần thì mới dôi ra vài ngày ngắn ngủi.
Phân tích về ngày nghỉ lễ, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực: Với Camphuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonexia là 16 ngày; Malaysia là 13 ngày; Myanmar là 14 ngày; Philippines là 19 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày; Lào 12 ngày; Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày.
Với xã hội ngày càng công nghiệp hoá, người lao động cần có những kỳ nghỉ dài ngày hơn để thư giãn sau vài tháng làm việc.
Thứ hai, những kỳ nghỉ lễ, Tết của chúng ta chưa thực sự chất lượng. Người Việt có xu hướng đến các địa điểm du lịch như Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang và rất đông đúc. Tôi đã nhìn thấy những bức hình chụp chợ đêm Đà Lạt vào những dịp này. Người và người ken đặc, chen chân còn khó nói gì đến tận hưởng không khí lành lạnh của phố núi buổi đêm.
Khi đời sống ngày càng nâng cao, thu nhập càng được cải thiện, thì hình thức nghỉ ngơi xả stress cũng cần được nhìn nhận đúng đắn và chăm chút hơn. Đó có thể là những địa điểm du lịch sinh thái mới, những buổi picnic bên bờ suối, sum vầy ăn uống và vui chơi tại nhà...hơn là tốn thời gian di chuyển đi - về và nhận lại sự chờ đợi bực bội và hậm hực như những kỳ nghỉ lễ trong những năm vừa qua.
Lê Trung Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.