Một cô bạn của tôi có mối bận tâm trong chuỗi ngày trước Tết là năm nay được thưởng bao nhiêu tiền. Tưởng đâu bạn gặp chuyện khó khăn, cần tiền để xoay xở, nhưng hỏi ra mới biết bạn ngóng chờ tiền thưởng về để đổi điện thoại iPhone đời mới nhất.
Do có quá nhiều thứ để mua nên số tiền thưởng không thấm tháp vào đâu, nên phải vay tín dụng trả góp. Tôi có cho lời khuyên là nên mua hàng đã dùng rồi còn mới, hoặc mua phiên bản thấp hơn để vừa túi tiền, không phải vay mượn thêm. Thế nhưng cô ấy cho rằng: "Đã mua thì phải mua loại to nhất, đắt nhất". Thế là thành quả cả năm làm việc đã không được tái đầu tư cho tiền đẻ ra tiền, đầu tư vào học hành hay làm một khoản tiết kiệm, mà nay đã biến thành những tiêu sản.
Làm ra tiền, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhưng vẫn "nghèo", như câu chuyện của tác giả bài viết không có nổi 30 triệu phòng thân vì thích tiêu tiền có lẽ cũng là câu chuyện chung của nhiều người trẻ sinh sống và làm việc ở đô thị hiện nay. Lương cao mà vẫn nghèo, mới nghe qua tưởng đây là một nghịch lý nhưng lại hoàn toàn có thật khi nhiều bạn trẻ chi tiêu bất hợp lý.
"Làm sao có thể cưỡng lại cơ hội sở hữu điện thoại flagship mới ra mắt với số tiền trả trước thấp, còn bao nhiêu thì để trả góp lo? Làm sao có thể chôn chân trong góc phòng, ngồi ngắm bạn bè check-in đi du lịch khắp chốn? Làm sao từ chối những buổi ăn uống ngon lành ở những hàng quán nổi tiếng? Làm sao nhịn được ly trà sữa 70-80 nghìn đồng trong khi ngoài công việc chính thì việc freelance của mình khá ổn cơ chứ?".
Đó hẳn là lối suy nghĩ của nhiều bạn trẻ bị cuốn mình vào vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng, cứ tiêu xài cho thoả trước mắt, kỳ lương về rồi đắp vào sau cũng chưa muộn. Từ khi kinh tế phát triển, hoà nhập vào lối sống hưởng thụ ở đô thị, nhiều bạn trẻ quên bẵng phải tiết kiệm, chỉ biết sống thụ hưởng sung sướng cho hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai và ngày kia sẽ thế nào?
Rồi bỗng thình lình, cơn bão Covid-19 tràn đến, guồng quay của bánh xe xã hội như bị thọc vào một chiếc gậy to đùng, khiến nó không thể vận hành trơn tru như bấy lâu nay. Nhiều công ty đóng băng, cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên, thậm chí nhiều người bị mất việc... Tình hình nếu kéo dài nhiều tháng nữa thì nhiều người mới ngớ người nhận ra số tiền tiết kiệm được ít ỏi quá, cầm cự được bao lâu đây? Tiền trả góp hàng tháng đến kỳ phải trả, biết lấy gì đắp vào?
Đến lúc này, đành phải giở sách ra để học về tính tiết kiệm, phòng khi có biến mà người Việt ta đã đúc kết từ nhiều đời: "Tích cốc phòng cơ", "Góp gió thành bão", Kiến tha lâu đầy tổ...". Nhiều người Việt khác đã vận dụng những bài học này từ lâu và vẫn ung dung sống trong mùa Covid-19 này.
Còn những bạn gặp khó về tiền bạc, sau khi kinh tế bình thường trở lại, phải thuộc nằm lòng những bài học về chi tiêu như trên. Tôi rất tâm đắc với tính cách tiết kiệm, lo xa của nhiều người Việt chúng ta. Đó là điểm khác biệt giữa ta và dân các nước Âu- Mỹ, đã có nhiều bài viết về tình cảnh người Âu- Mỹ nghỉ việc chỉ sau một tuần đã trở nên túng quẫn vì không có thói quen tiết kiệm tiền, còn việc thì họ còn tiền, mất việc là mất tiền.
Chúng ta đang sống trong một thế giới với đầy rẫy những nguy cơ khủng hoảng, có lẽ dịch Covid-19 này chỉ là khởi đầu cho những nguy cơ còn khủng khiếp hơn trong tương lai. Vì thế, tiết kiệm, để dành phòng thân sẽ không bao giờ thừa.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Phan Vĩnh
Bài Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm VnExpress