Từ năm 2000 trở về trước, luật pháp quy định bằng B1 được lái xe hơi dưới 9 chỗ hoặc tải dưới 1 tấn, B2 dưới 16 chỗ hoặc tải dưới 2 tấn, C dưới 40 chỗ hoặc tải dưới 5 tấn, D dưới 60 chỗ hoặc tải dưới 10 tấn, E trên 60 chỗ hoặc tải trên 10 tấn, F siêu trường siêu trọng.
Để nâng hạng bằng, bạn phải có bằng phía dưới tương ứng cùng quá trình liên tục lái loại xe đó tối thiểu là 3 năm. Trong quá trình đó, bạn chưa từng vi phạm luật giao thông. Ngoài ra, người nâng bằng còn phải am hiểu nguyên lý vận hành của cái xe mà bạn sắp lấy bằng để lái nó.
Như vậy, từ bằng B1 đến F, nhanh cũng phải 15 năm. Trong 15 năm đó, bạn chưa từng bị cảnh sát giao thông xé vé phạt (một lần bị phạt thì thời gian bị kéo dài thêm một năm). Đó là chưa nói bạn phải biết xử lý cơ bản bộ phận trên xe, am hiểu kỹ thuật tương đương với thợ sửa chữa trung cấp.
>> Xe 'điên' và nỗi đau đến từ sự bất lực của người cầm lái
Hồi ấy xe cộ ít hơn bây giờ rất nhiều, để trở thành tài xế "chính quy", bạn phải đi phụ tài già từ khi mới xong lớp 9 hoặc phải đi học trung cấp lái xe (tốt nghiệp đương nhiên được cấp bằng C).
Kinh tế phát triển, xe cộ nhiều lên, điều kiện "lên bằng" ngặt nghèo của luật cũ khiến cho cả nước thiếu nghiêm trọng tài xế có bằng E và F. Tài xế có bằng này đương nhiên được xem là "tài già". Quy định về cấp bằng lái xe thay đổi khiến nhiều người chỉ cần có thể lái loại xe đó và biết luật giao thông là xong. Từ đây ta có vô số "tài già" ngoài chuyện lái xe ra, cái gì cũng không biết.
>> Đạo đức lái xe của tài xế đang xuống cấp?
Nghề lái xe tải cũng khác với các tài xế xe khác. Có hàng, người thuê chở thì mới chạy. Chủ hàng có thể cho phép anh nhận hàng bất cứ lúc nào nhưng giao hàng thì nhất định phải đúng giờ.
Với khoảng cách giữa 2 điểm giao nhận dài hàng trăm đến cả nghìn km, tài xế có nhiều thời gian để tính toán. Khoảng cách quá ngắn thì tài xế không có lựa chọn. Tài xế phải tính toán tốc độ, kẹt xe và giờ cao điểm. Sau khi nhận hàng, họ sẽ chờ qua giờ cao điểm tối rồi lên đường. Chạy xe ban đêm đảm bảo không bị kẹt xe và họ phải có mặt trước giờ cao điểm sáng tại nơi giao hàng.
Trước đây, lái xe tải bao giờ cũng có hai người, một lái chính và một lái phụ (lái phụ biết lái xe, biết luật nhưng không am hiểu kỹ thuật xe). Lái chính phải chịu trách nhiệm với lỗi của lái phụ, kể cả trường hợp vi phạm luật giao thông cho nên hồi đó làm lái phụ (thật ra là học nghề) rất cơ cực, thường là con cháu trong nhà hoặc đệ tử đã qua sàng lọc nghiêm khắc của tài già. Lái phụ thường là người phải lái xe cả đêm còn lái chính sẽ lái vào lúc mờ sáng, lái xe ban ngày qua các nơi đông người.
>> Gây tai nạn, tài xế ôtô đưa tôi bằng lái làm tin rồi bỏ trốn
Ngày nay, tuyển hai tài thì lương thấp chả ai muốn làm nên chỉ có một tài. Vì vậy chẳng ai biết trước chuyện đặt hàng đến từ lúc nào, giờ giấc sinh hoạt của họ cực kỳ thất thường.
Để chạy ban đêm họ phải ngủ ngày và thường họ hay làm vài cốc bia, rượu cho dễ ngủ. Khi đã quen với chuyện "ngày ngủ đêm chạy", đột nhiên có đơn bảo phải giao hàng vào giữa trưa thì chuyện vừa chạy vừa ngủ là bình thường.
Tôi đồng ý là lương của tài xế lái xe container là rất cao, nhưng lương cao có bù nổi cho sức khỏe không? Tôi chứng kiến vài lần chuyện những tài xế lái xe tải nặng rồi nghỉ không muốn quay trở lại nghề này nữa dù có trả lương cao thêm 10–20 triệu đồng/tháng. Chỉ khi cuộc sống rất khó khăn họ mới phải chấp nhận nghề này. Cuộc sống khó khăn cộng lấy bằng lái dễ và kết quả ai cũng thấy rõ.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.