Với kinh nghiệm 20 năm cầm lái, tôi xin chia sẻ vài ý kiến về những nguyên nhân dẫn tới xuất hiện "ôtô điên" càn quét trên đường.
“Xe điên” thường xảy ra vào lúc tài xế giật mình, lúng túng khi gặp sự cố trên đường. Theo phản xạ tự nhiên họ sẽ đạp mạnh chân phanh, tuy nhiên trong một số trường hợp họ lại đạp nhầm chân ga dẫn đến xe lao đi với tốc độ cực cao, không thể kiểm soát.
“Xe điên” thường xảy ra đối với xe số tự động. Trong tình huống đạp nhầm chân ga ở xe số, tài xế tay kéo chặt vô lăng, chân phải duỗi thẳng và đạp siết chân ga, chân trái cũng đạp siết chân côn.
Tại thời điểm đó, xe sẽ không chạy tiếp mà động cơ chỉ rú lên do đã được cắt côn hoàn toàn. Trong vài giây, người lái sẽ bừng tỉnh và nhả chân ga ra. Còn xe số tự động thì không được may mắn như thế.
Vậy làm thế nào để phòng tránh trường hợp này? Đó là hạn chế sự lúng túng, giật mình khi gặp sự cố lưu thông trên đường. Để có được điều này, người lái phải có sự trải nghiệm về các tình huống bất thường trong quá trình đào tạo trước khi cấp bằng lái hoặc kinh nghiệm trong quá trình lái xe.
Chúng ta cũng biết rằng, phi công là người thường được nhắc đến như là những người có thần kinh vững vàng, xử lý tốt những tình huống khi có bất thường xảy ra. Điều đó có được là do trong quá trình đào tạo, họ đã được thực tập, trải nghiệm các tình huống bất thường qua các bài học trên buồng lái mô phỏng SIM (Simulator). Qua đó họ sẽ không bị lúng túng hoặc mất kiểm soát khi có sự cố thực sự xảy ra.
Còn công tác đào tạo cấp bằng lái xe hiện nay của chúng ta đang xảy ra một số bất cập. Thời gian đào tạo ngắn và việc cấp bằng cũng dễ dãi hơn trước kia. Cách đây hơn 20 năm, thời anh chị, cô chú của tôi muốn lấy được bằng lái xe phải mất rất nhiều thời gian đào tạo.
Khi đó, người học lái xe cũng được học về cấu tạo ôtô, cách chẩn đoán, xử lý hoặc sửa chữa những hư hỏng nhỏ thông thường. Học viên được thực hành nhiều về cách thức lái xe qua những khu vực địa hình khác nhau như: Lái xe trong đô thị, dưới đồng bằng, trên đường đèo dốc cũng như cách xử lý khi xe bị trượt bánh hay mất lái…
Còn hiện nay thì sao? Các anh chị khi đi trên đường có thể dễ dàng thấy những bảng quảng cáo kiểu như: Đào tạo lái xe giảm 50% học phí, bảo đảm đậu 100%, thời gian chỉ có 3,5 tháng kể từ lúc nộp hồ sơ…
Hiện nay để lấy một cái bằng lái không còn khó khăn như trước đây nữa. Có nhiều trung tâm nhận hồ sơ xong, để học viên muốn làm gì thì làm. Gần đến ngày thi sát hạch, thông báo học viên biết thời gian thi, phát cho cuốn sách 450 câu hỏi về tự ôn tập, hẹn ngày dợt sa hình rồi chuẩn bị sát hạch cấp bằng lái.
(Xem thêm: Tài xế ôtô tải bẻ lái xuất thần tránh tai nạn chết chóc )
Tôi nghĩ, với kiểu đào tạo lái xe hời hợt qua loa và cấp bằng lái xe dễ dàng như hiện nay thì sẽ còn xảy ra nhiều sự việc thương tâm. Vì vậy, tôi cho rằng muốn giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung và “xe điên” nói riêng thì cần phải thực hiện các công việc sau:
Thứ nhất: Tăng cường việc giám sát công tác đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe. Phạt thật nặng các trung tâm đào tạo không tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước về việc đào tạo cấp phép lái xe. Nâng cao chuẩn thành lập trường đào tạo lái xe, phải có đầy đủ các phương tiện học tập lý thuyết, thực hành cũng như đội ngũ giáo viên đảm bảo năng lực giảng dạy.
Thứ hai: Tham khảo ý kiến các chuyên gia về đào tạo lái xe cũng như các nước khác nhằm điều chỉnh chương trình học, các bài thi sát với thực tế tình hình Việt Nam, mang tính thực tiễn cao và cần nhiều kỹ năng hơn để thực tập.
Thứ ba: Kiểm soát chặt chẽ thời lượng luyện tập (số giờ thực hành) của học viên trước khi thi sát hạch, bổ sung nhiều bài học về xử lý khẩn cấp, bất thường để học viên thực hành trải nghiệm cũng như bắt buộc phải có nội dung đạo đức người lái xe.
Thứ tư: Tổ chức kiểm tra tái đào tạo định kỳ trong một khoảng thời gian nhất định sau khi được cấp bằng, có thể tổ chức buổi kiểm tra nhỏ về kỹ năng lái, xử lý khẩn cấp sau 5 năm hoặc khi đi đổi bằng lái mới lúc hết hạn.
Thứ năm: Công an giao không chỉ lập chốt cố định mà cần tăng cường tuần tra giám sát hoạt động của các phương tiện trên đường, nhằm chủ động phát hiện, xử lý các tài xế lái xe trong tình trạng say rượu.
>> Chia sẻ bài của bạn tại đây.
>> Xem thêm: Cả nhà bị tai nạn ôtô được người lạ chở hơn 100 km đi bệnh viện
Video được xem nhiều: Ôtô quay đầu 180º gây tai nạn rồi bỏ chạy