![]() |
Một cảnh bắt khách. Ảnh: Đ.K. |
Đó là những người chuyên làm nghề vẫy khách tại các phố ăn uống ở Hà Nội.
Phố Phùng Hưng 19h30', một chiếc Dylan vừa lao tới. Trên xe, đôi trai gái đang tíu tít trò chuyện. Bỗng ki...ít. Xe khựng lại. Một thanh niên lao đến, lòng bàn tay tì vào cần ga, ngón tay bóp nhanh phanh trước. Một cậu khác áp sát từ phía sau kéo đuôi xe lại. Cậu thứ ba ngoặt hẳn tay lái về phía mình miệng liến thoắng: "Lẩu 24 anh ơi. Lẩu 24 anh ơi...". Người thanh niên trên xe bực mình văng ra một câu rất tục. Cô gái ngồi sau cũng phụ họa bằng một giọng lanh lảnh: "Thích chết à, tránh ra mau".
Sau một hồi giằng co, cuối cùng chiếc xe cũng thoát đi được, còn cánh vẫy khách lại dạt ra lề đường tiếp tục căng mắt theo dõi những "con mồi" mới. Cảnh vẫy khách đã quá quen ở các phố ăn uống, đặc biệt là các quán lẩu, như Phùng Hưng, Cao Bá Quát, Tống Duy Tân hay Mai Hắc Đế...
Giờ gọi là vẫy khách có thể không còn đúng nữa vì những người này không chỉ vẫy, họ sẵn sàng chặn xe, lôi kéo, có khi gần như bê cả khách lẫn xe vào quán. Khách hàng ai cũng khó chịu về cách làm này, nhưng tâm lý đã dừng xe rồi không muốn đi tiếp nữa khiến nhiều người đành tặc lưỡi, "thôi vào cho xong".
Doanh thu của quán phụ thuộc nhiều vào tốp nhân viên vẫy khách. Quán nào cũng ba bốn người chuyên làm việc này. Riêng ở phố lẩu Phùng Hưng có đến gần trăm người. Họ đa số là dân ngoại tỉnh, trẻ thì 14-15 tuổi, lớn khoảng 29-30.
Thù lao của họ phụ thuộc vào hiệu quả vẫy khách, ai "bắt khách" giỏi, thiện nghệ thì được trả lương cao, có khi lên 1,7-1,8 triệu đồng một tháng. Người nào ít kinh nghiệm hơn thì được khoảng từ 700.000 đến 1 triệu. Giờ làm cũng chia thành ca, ca ngày từ khoảng 8h sáng đến chiều muộn. Ca tối từ khoảng 18h đến 23-24h đêm, nhưng cao điểm là khoảng 19h-20h, nhất là các ngày nghỉ cuối tuần và lễ, tết.
Nam quê ở Phú Thọ được coi là một tay thiện nghệ trong nghề, nhìn khách nào ăn hay không biết ngay, tỷ lệ đoán đúng đến 80-90%. Trừ phi khách đã có quán quen, chứ đừng hòng thoát khỏi tay anh. Nhìn dáng người nhỏ choăn choắt không ai nghĩ rằng Nam đã 29 tuổi. Anh mặc chiếc áo phông lúc nào cũng vén ống tay đến sát nách, chiếc quần bò cũ xẻ dọc ngang. Nam cho biết vẫy khách bị ngã rách nên xẻ thêm mấy nhát nữa thành mốt luôn.
Nam có cái kiểu chạy rất đặc trưng của những người làm nghề này. Thân nghiêng nghiêng, sườn cong cong, chân chéo chéo. Chạy như vậy sẽ tránh xe đâm trực diện và dễ dàng vồ lấy tay lái của khách. Nhưng có tài mấy thì nhiều khi vẫn không tránh khỏi tai nạn. Vạch ống quần lên chỉ vào vết thương đang lên da non ở đầu gối, Nam nói: "Hôm nọ em bị một chiếc xe quệt vào. Nhiều người bị xe tông phải đi viện đấy".
Nhìn đám người đang xông ra giữa đường vẫy khách, Nam lắc đầu: "Mình có thể tránh được xe trước mặt, nhưng xe chạy ngược chiều đâm từ phía sau đến thì cực kỳ nguy hiểm. Bọn em bị đâm chủ yếu là do những xe này".
Chưa vợ con. Nam tếu táo nói rằng chỉ có một tình yêu duy nhất là "con sông quê hương", ý cậu muốn nhắc đến con sông Lô ở Phú Thọ và cái thói mê lô đề của mình.
![]() |
Kể cả ôtô cũng bị vây. Ảnh: Đ.K. |
Đa số những người làm nghề này bắt đầu bằng việc bưng bê, bồi bàn, quét dọn. Quen rồi mới được đứng ra ngoài vẫy khách. Không có bí quyết gì riêng, làm lâu rồi thành quen tự biết cách tránh xe, biết nhìn người nào ăn hay không.
Một kỹ năng quan trọng của nghề vẫy khách là phải biết chọn người cầm đầu nhóm ăn uống. Trong một đám khách rất đông, cần tìm ra ai là người chủ trì và chủ chi để vồ lấy mà lôi kéo. Kéo được người này vào rồi thì những người còn lại ắt sẽ vào theo.
Một yếu tố quan trọng không kém là phải biết lì lợm và chịu nghe chửi, vì có không ít khách nhất là thanh niên sẵn sàng văng tục khi bị chặn xe, lôi kéo. Nhiều khi bị chửi cánh vẫy khách phản ứng lại thành ra gây gổ đánh nhau.
Giờ đây hàng quán mọc lên san sát, nhà nọ giành khách với nhà kia. Đội quân làm nghề vẫy cũng cạnh tranh gay gắt. Nhiều vụ xô xát đã xảy ra.
> Phận xe ôm |
> Hết thời xe ôm tự do tại bến |
"Thảm nhất là những ngày giữa tuần. Có khi ngồi vêu cả buổi mà chẳng bắt được khách nào. Ít khách, lương thấp có người phải bỏ đi làm nghề khác", một cậu tâm sự.
Nam cho biết đã mua được một chiếc Wave cũ. Tuần tới anh sẽ xin nghỉ làm ở quán lẩu để chạy xe ôm. "Làm nghề xe ôm vất vả hơn, thu nhập lại không ổn định, nhưng từng này tuổi đầu rồi mà vẫn phải giơ mặt ra cho người ta chửi thì ê lắm", Nam đăm chiêu.
Đắc Kiên