Trái ngược với sự lo âu đó, cô chờ tôi tới để mời ba mẹ ngày mai dự lễ sinh hoạt cuối tuần của trường (bên này gọi là assembly, diễn ra vào mỗi thứ sáu, ba mẹ nào có thời gian thì đến dự cho vui), vì ngày mai Lâm sẽ được tuyên dương trước toàn trường với lý do "có tinh thần trách nhiệm cao, biết giúp đỡ cô giáo và bạn bè". Tôi cảm kích lắm, vì tôi biết với sức học của con mình, còn lâu Lâm mới được tuyên dương vì học lực.
Nếu chuyện chỉ có vậy tôi cũng chỉ dừng ở mức vui thôi. Một tuần trước đó cô đã gặp riêng tôi để nói rằng Lâm đang "tiến bộ chậm". Rằng Lâm chưa làm được chuyện này chuyện kia, và cô chưa thể nào đưa cho ba mẹ Lâm một cuốn sổ liên lạc đầy đủ được, ba thông cảm nhé. Tôi thoáng buồn, ừ cũng đúng, có sổ liên lạc cô sẽ rất khó ghi nếu chỉ toàn những điểm chưa được như thế. Thấy tôi buồn, cô xin lỗi nhiều lần và trấn an "Ba có thấy bạn nhỏ nào đến từ một đất nước xa lạ mà đã giỏi liền không. Ba cho Lâm thời gian nhé, cô cũng sẽ cố, và Lâm chắc chắn sẽ cố". Tôi hỏi thêm câu chốt trước khi ra về "Ba có nên lo lắng gì về Lâm không?". Nhún vai kiểu Tây, làm mặt vẻ rất phớt tỉnh, cô bảo chả có gì phải lo, Ba cứ như vậy là được rồi.
Nói vậy, nhưng tôi vẫn lo, và dường như hiểu được điều đó, cô rất phấn khích thông báo về việc Lâm sẽ được tuyên dương. Tôi hỏi Lâm "con có biết vì sao con được tuyên dương không?", Lâm trả lời "con đỡ bạn đứng dậy khi bạn té, với con giúp vài bạn chuyện lặt vặt trong lớp, cô thấy hết đó ba, cô khen con suốt", và không giấu nỗi tự hào.
Bây giờ thì tôi biết tại sao các con tôi hòa nhập nhanh rồi. Không hiểu cô làm cho hiểu, không có bạn cô làm cho có bạn, tự ti về việc gì cô sẽ làm cho bớt hoặc hết tự ti, và đang làm tốt thứ gì cô sẽ tìm cách đẩy nó mạnh hơn lên.
Chúng tôi hạnh phúc khi thấy các con rất hạnh phúc ở trường, vì tôi chắc rằng, cô giáo đang cố gắng từng ngày trao sự hạnh phúc đó cho con tôi. Giáo dục, không giống như những lĩnh vực khác chỉ cần hai phía muốn là được, mà phải thể hiện nỗ lực thực sự: cô giáo được làm đúng thiên chức. Gia đình không được phép can thiệp vào chuyện dạy dỗ của cô và nếu có vấn đề gì thì hãy bàn bạc tại văn phòng nhà trường.
Khái niệm "ngôi trường hạnh phúc" thật ra ở rất gần mà cũng rất xa... Gần vì ai cũng muốn, xa là vì sự chung tay đó, trên lý thuyết là có thể diễn ra nhưng trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ở Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Tôi đọc tin này, trong lòng dấy lên chút xót xa của một người cha, người mẹ: chăm sóc trẻ, chơi với trẻ, dạy dỗ chúng - những tâm hồn trong sáng, non dại - có thể là công việc nặng nhọc, nhưng lẽ nào lại độc hại? Nhưng tôi cuối cùng phải chấp nhận những khía cạnh hợp lý nhất định, xét trong bối cảnh có quá nhiều việc đã xảy ra (không chỉ về tính chất công việc như đề xuất đã phân tích, mà tính đến cả sự xúc phạm và những cuộc hành hung giáo viên đã xảy ra khắp nơi). Nhiều khẩu hiệu vẫn được giăng ra nhưng có mấy ai vì thế mà tôn trọng những giáo viên đang vất vả chăm sóc con mình. Có bao nhiêu phụ huynh thông cảm rằng việc con té ngã hay xô xát ở trường là một trong những rủi ro mà cô giỏi đến mấy cũng không thể tuyệt đối né được? Không ai đúng và cũng chẳng ai sai, chỉ là biên giới giữa "được can thiệp" và "không được quyền can thiệp". Tình yêu thương con trẻ sẽ đẩy mọi thứ lên, khiến cho các bên đều dễ xù lông nhím.
Ngôi trường hạnh phúc, vì vậy gần mà hóa xa. Và bước đầu tiên có lẽ là phải làm sao để thầy cô được bảo vệ, được an toàn, được khích lệ (thay vì chỉ toàn chỉ trích và trừng phạt).
Thầy cô hạnh phúc sẽ làm nên những ngôi trường hạnh phúc, để lan tỏa thứ cảm xúc diệu kỳ đó đến các con.
Trần Hùng Thiện