Tổng thống Mỹ Obama sáng qua có bài phát biểu trước 2.000 trí thức và doanh nhân Việt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Sau 30 phút nghe ông nói chuyện, tất cả mọi người trong khán phòng đều đồng loạt đứng lên, vỗ tay không ngớt, thể hiện niềm thích thú, ngưỡng mộ đối với vốn kiến thức cũng như khả năng thuyết trình tuyệt vời của ông chủ Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ đã vận dụng triệt để thi ca Việt Nam trong các phát biểu về quan hệ song phương, từ câu tục ngữ, vần thơ được sáng tác hàng trăm năm trước, đến bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay Văn Cao.
Ông dẫn câu thơ đầy hào hùng từ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt để nói về chủ quyền Việt Nam trong lịch sử, dẫn Truyện Kiều của Nguyễn Du nhân lúc bàn về quan hệ hai nước. Mỗi lần Tổng thống Mỹ Obama dẫn thơ ca, khán giả Việt Nam và nước ngoài vỗ tay không dứt.
Trần Khánh, sinh viên K10, Quản trị kinh doanh, Đại học FPT, cho biết điều cậu cảm phục nhất ở ông Obama là sự hiểu biết về lịch sử Việt Nam khi nhắc nhiều đến các nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, các danh nhân như Nguyễn Du, tướng Võ Nguyên Giáp trong khi thế hệ trẻ như cậu không phải ai cũng làm được.
Bạn Mai Thu Hằng, sinh viên Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, thì đặc biệt ấn tượng với vẻ thân thiện và giọng nói trầm ấm của Tổng thống Mỹ.
Rõ ràng, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama đã tạo được tiếng vang và ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí rất nhiều người dân Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông Obama lâu nay đã nổi tiếng là một nhà diễn thuyết xuất sắc.
Những vần thơ câu hát Việt được ông Obama trích dẫn
Diễn giả xuất sắc
Cây bút Alan Tovey từ Telegraph đánh giá việc sở hữu những phẩm chất của một diễn giả xuất chúng không phải lý do duy nhất đưa ông Obama tới chiếc ghế tổng thống nhưng là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Theo Carmine Gallo, tác giả hàng loạt cuốn sách bán chạy về nghệ thuật diễn thuyết, sở dĩ những bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama dễ đi vào lòng người là bởi ông đã khéo léo vận dụng ba kỹ năng nói chuyện trước công chúng.
"Bằng cách dùng ngôn từ cụ thể và hữu hình, Tổng thống Barack Obama có thể đưa chúng ta đến một thế giới khác, đồng thời vẽ nên một bức tranh nơi tâm trí ta", ông Gallo bình luận.
Trong bài diễn văn chiến thắng ngày 7/11/2012, ông đề cập đến những người ủng hộ và vận động tranh cử cho mình một cách rất cụ thể.
"Bạn sẽ thấy sự quyết tâm trong giọng nói của anh chàng tổ chức hậu trường trẻ tuổi, người luôn nỗ lực hết mình từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học và mong muốn mọi đứa trẻ đều có cơ hội như nhau. Bạn sẽ thấy niềm tự hào trong giọng nói của cô gái tình nguyện viên, người thường xuyên đi gõ cửa từng nhà, vì em trai cô ấy cuối cùng cũng có một công việc bởi nhà máy sản xuất ôtô địa phương vừa bổ sung ca làm mới. Bạn sẽ cảm thấy lòng yêu nước sâu đậm trong giọng nói của người lính đêm nào cũng thức rất khuya trên điện thoại để chắc chắn rằng không một ai từng quên mình chiến đấu vì tổ quốc phải lo lắng về một công việc hay một mái nhà khi họ trở về từ chiến trường", Tổng thống Obama lúc bấy giờ nói, giọng đầy xúc động.
Theo Gallo, lý do mà nhiều người diễn thuyết ngày nay không thể chạm tới suy tư của khán giả là bởi họ không có đủ sự cụ thể trong câu chữ. "Chẳng ai quan tâm khi bạn tuyên bố sẽ mang đến 'giải pháp tốt nhất cho một hệ sinh thái dựa trên công nghệ điện toán đám mây'. Khán giả cần sự cụ thể, những ví dụ gần gũi và câu trả lời giải đáp cho thắc mắc một cách trực diện nhất", ông nhấn mạnh. Và Tổng thống Obama làm tốt điều đó.
Hành động nhắc lại có chủ đích một câu hay cụm từ để gây chú ý cũng là một kỹ năng nổi bật mà Tổng thống Obama sử dụng tương đối linh hoạt, ông Gallo nhận xét.
Ông Obama từng sử dụng kỹ thuật "lặp lại" rất hiệu quả với bài phát biểu tại hội nghị toàn quốc của đảng Dân chủ hồi năm 2004.
"Chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Nhiều việc phải làm cho những người công nhân tôi gặp ở Galesburg, Illinois", ông nói. "Nhiều việc phải làm cho người cha..." hay "Nhiều việc phải làm cho người phụ nữ...".
"Tôi tin chúng ta có thể hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu", "Tôi tin chúng ta có thể cung cấp việc làm", "Tôi tin chúng ta có một ngọn gió ngay thẳng chống lưng...".
Các ví dụ kể trên cũng cho thấy Tổng thống Obama là người rất thích gộp những dẫn chứng cho một ý tưởng thành bộ ba. Theo Gallo, ba là "con số quyền lực và vừa đủ để nhớ".
Giáo sư David McNeill từ Đại học Michigan, Mỹ, người nghiên cứu về cử chỉ tay, nhận thấy rằng những diễn giả tự tin, có kỷ luật và chặt chẽ thường dùng đến tay nhiều hơn bình thường khi phát biểu.
Cử chỉ tay dứt khoát phản ánh tính mạch lạc về suy nghĩ của người phát biểu đồng thời khiến khán giả cảm thấy tin tưởng hơn vào sự dẫn dắt của họ. Tổng thống Obama, như bao người diễn thuyết xuất sắc khác, sử dụng cử chỉ để nhấn mạnh gần như trong từng câu nói, Gallo nhận định.
Cách ông thay đổi giọng nói cũng rất hiệu quả. Tổng thống Mỹ biết nên nói chậm ở đâu, hạ giọng ở đâu và ngừng lại khi nào để gây ấn tượng tối đa. Nhưng cũng có lúc, ông đẩy nhanh tốc độ diễn thuyết và gia tăng âm lượng để làm bật lên một câu quan trọng.
Theo Richard Newman, chuyên gia đào tạo kỹ năng diễn thuyết từ công ty UK Body Talk, ông Obama là một bậc thầy biết cách sử dụng "điểm dừng".
Tổng thống Mỹ dừng để khán giả bắt kịp mình. Ông dừng để lời nói của mình gây được tiếng vang. Ông dừng, một mặt nào đó, cũng là để người nghe có chút thời gian nghỉ ngơi. Dừng đúng chỗ còn là cách để Tổng thống Mỹ cho khán giả thấy sự điềm tĩnh và thận trọng của ông, chuyên gia tư vấn về diễn thuyết Sims Wyeth viết trên CBS News.
Một nhân tố khác làm nên thành công cho những bài diễn thuyết của Tổng thống Obama là việc ông biết cách đặt người nghe vào trung tâm của câu chuyện. Như trong lần phát biểu đầu tiên tại một phiên họp chung của quốc hội Mỹ, ông Obama nhắc tới câu chuyện "của chúng ta" trước khi nói về câu chuyện "của riêng mình", Wyeth cho hay.
Với bài diễn thuyết hôm qua tại Hà Nội, Tổng thống Obama đã khiến người nghe cảm nhận rõ ràng Việt Nam chính là trung tâm trong những câu chuyện, vấn đề ông chia sẻ suốt nửa tiếng đồng hồ. Kết thúc bài phát biểu bằng câu thơ "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi" trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tổng thống Obama vừa khiến người nghe ấn tượng xen lẫn bồi hồi, xúc động, vừa cho thấy rằng ông rất quan tâm cũng như tôn trọng văn hóa, lịch sử của người dân Việt, giới quan sát đánh giá.
Vũ Hoàng