Lượng khách quốc tế đến Nhật Bản chạm ngưỡng 28 triệu lượt vào năm 2017. Tuy nhiên, mức chi tiêu trung bình của mỗi du khách giảm xuống còn 154.000 yên (hơn 32,2 triệu đồng) vào năm ngoái.
Ngày nay, khách đến Nhật Bản không còn quá mặn mà với shopping, chất đầy vali với đống hàng hóa hay quà lưu niệm. Thay vào đó, họ có xu hướng tạo thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ hoặc làm điều gì đó mới mẻ để có chuyện kể lại cho bạn bè, tờ Nikkei nhận định.
Những lớp học về thủ công truyền thống, nghệ thuật hay nấu ăn vẫn hút lượng khách ổn định. Để tham gia một buổi trà đạo, du khách cần bỏ ra 2.500 yên (hơn 520.000 đồng); lớp học gấp origami hay làm sushi có giá từ 2.000 đến 5.000 yên (khoảng 420.000 - 1 triệu đồng). Với những lớp mở riêng theo yêu cầu của khách, chi phí có thể lên tới 50.000 yên (hơn 10 triệu đồng).
Trên đảo Hokkaido, công ty Nippon Travel Agency bắt đầu tổ chức những trải nghiệm độc đáo mà nhiều khách nước ngoài có thể bỏ lỡ khi đến Nhật Bản, ví dụ như dùng bữa tại một nhà hàng tabearuki (vừa đi vừa ăn) trong ngõ vắng. Trong ngày, du khách có thể tham quan trung tâm phòng tránh thảm họa thiên nhiên và nhà máy, giá 10.000 yên một người (hơn 2 triệu đồng).
Tuy nhiên, những công ty lữ hành không có đủ thời gian và nhân sự để lên lịch trình tour theo ý muốn của từng khách. Vì thế, một website tổng hợp tour trải nghiệm của nhiều đơn vị ra đời. Đáng chú ý trong đó có hoạt động thăm thú vùng lân cận Tokyo như Asakusa và Ryogoku cùng một cựu võ sĩ sumo, có phiên dịch viên đi kèm.
Trang Wow Japan Experience+ cung cấp những dịch vụ phân thành 5 mục chính: thiên nhiên, từ nông trại tới bàn ăn, văn hóa và thủ công, nấu ăn và tour tham quan thành phố. Người dùng có thể đặt lịch tùy theo ngày và điểm đến. Nổi bật nhất là trải nghiệm tới quán nhậu izakaya bình dân của người Nhật và các lớp học làm mì soba tươi.
Trong khi đó, nhà mạng NTT Docomo ra mắt thị trường dịch vụ du lịch online với hệ thống Gaiax. Trên nền tảng này, tour guide chính là những người dân Nhật Bản bình thường, có tài nấu nướng, biết karate hay đánh trống taiko. Hệ thống có hỗ trợ ngôn ngữ nếu khách hàng và người cung cấp dịch vụ gặp khó khăn khi giao tiếp.
"Chúng tôi muốn tạo cơ hội để du khách có thêm hiểu biết từ một người địa phương, thay vì gặp gỡ những nghệ nhân hay người bán hàng", theo ông Ayumi Fujita, đại diện NTT Docomo.
Người làm dịch vụ sẽ thỏa thuận giá với nhà quản lý hệ thống. Phần lớn hoạt động có chi phí tham gia từ 5.000 tới 15.000 yên (khoảng 1-3,1 triệu đồng). Hệ thống ghi nhận khoảng 100 lượt đặt tour một tháng. Khách Mỹ chiếm 50% thị phần, một phần vì khách phương Tây có xu hướng đi du lịch dài ngày và ở lại một quốc gia lâu hơn khách châu Á.
Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, những bài học để thu hút khách, phát triển sảm phẩm sẽ được thảo luận chi tiết. Diễn đàn thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum – ViEF) dự kiến diễn ra đầu tháng 12 tại Hà Nội.
Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Chương trình do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng VnExpress và Hội đồng tư vấn du lịch TAB tổ chức.
Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net/