Một trường trung học ở thành phố cảng Tacoma, bang Washington, sẽ là địa điểm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm trong chuyến công du Mỹ. Năm 1993, ông đến Tacoma khi còn là bí thư Phúc Châu và thông qua một thỏa thuận hợp tác với thành phố này vào năm sau đó. Hôm nay, ông sẽ quay lại nơi đây, gặp bà Connie Bacon, quan chức địa phương, người ký bản giao kèo nhằm tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc khi xưa, theo Wall Street Journal.
Bacon kể ông Tập cùng phái đoàn của mình 22 năm trước đến nhà bà dùng bữa tối với món tôm và quả bơ sau khi ăn mỳ spaghetti cùng thịt viên. "Thành thực mà nói, hồi đó tôi không chú ý đến ông ấy lắm", bà Bacon nói. "Ai mà biết được? Tôi từng làm chủ nhà để tiếp chủ tịch tương lai của Trung Quốc cơ đấy".
Chuyên gia nhận định Chủ tịch Tập nhân dịp này sẽ cố gắng gây lại thiện cảm mà ông tạo được trong chuyến thăm hồi năm 2012 đến thị trấn Muscatine, bang Iowa, với tư cách phó chủ tịch Trung Quốc.
Gây dựng thiện cảm
Năm 1985, ông Tập lần đầu tới Muscatine và tạm trú cùng một gia đình người Mỹ. Khi đó, ông là cán bộ đang thực hiện chuyến nghiên cứu thị trường thức ăn chăn nuôi. Cuộc gặp gỡ với những người chủ nhà Mỹ đã giúp ông xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt dân chúng sở tại.
Chuyến thăm Tacoma tới đây được dự đoán sẽ giúp ông củng cố ấn tượng cũ, đồng thời hướng sự quan tâm của công chúng khỏi các bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington. Những vấn đề gai góc đang chờ Chủ tịch Tập và Tổng thống Obama giải quyết gồm mối lo ngại trước thực trạng kinh tế Trung Quốc đi xuống, những cáo buộc tấn công mạng từ tin tặc Trung Quốc nhằm vào Mỹ cũng như vấn đề nước này bồi đắp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
"Ông ấy muốn tạo ra hình ảnh gần gũi bằng việc trò chuyện với những người Mỹ bình thường", Zhang Lifan, nhà sử học kiêm bình luận viên chính trị tại Bắc Kinh, đánh giá. "Ông ấy muốn chiếm tình cảm của công chúng Mỹ".
Tại cuộc họp bàn về chuyến công du tới Mỹ của ông Tập diễn ra tuần trước, các quan chức Trung Quốc không nêu chi tiết về lịch trình ở Tacoma, nhưng Ngoại trưởng Vương Nghị cho hay một điểm nhấn trong chuyến thăm lần này là "những cuộc đối thoại với người dân địa phương".
Chuyến đi cũng sẽ làm nổi bật sức ảnh hưởng ngày càng tăng của nền kinh tế Trung Quốc trên khắp nước Mỹ, nơi các bang và thành phố luôn cạnh tranh để thu hút nguồn vốn đầu tư, thương mại, du lịch và du học sinh từ Trung Quốc, bất chấp những căng thẳng ở cấp quốc gia.
Hợp tác với Trung Quốc chiếm phần lớn giao dịch ngoại thương của Tacoma, thành phố phía nam Seattle với hơn 200.000 dân. Tacoma những năm gần đây hưởng lợi từ làn sóng đầu tư của Trung Quốc, phần lớn thông qua EB-5, một chương trình cấp thẻ xanh hay chứng nhận thường trú cho người nước ngoài chi ít nhất 500.000 USD vào các dự án giúp tạo việc làm cho người Mỹ.
"Tôi hy vọng các dự án EB-5 của chúng tôi vì thế mà sẽ được thúc đẩy nhanh bởi mọi người sẽ chú ý hơn đến Tacoma", Michael Fowler, nhà tư vấn cho chính quyền thành phố về thương mại và đầu tư với Trung Quốc, chia sẻ.
Theo Fowler, quan hệ thương mại của Tacoma với Trung Quốc đã phát triển mạnh hơn nhờ thỏa thuận hợp tác kiểu thành phố kết nghĩa cùng Phúc Châu, một thành tựu mà ông Tập là người góp công đầu. "Nếu tôi là ông ấy, tôi hẳn sẽ rất vui và tự hào", Fowler nhận xét.
Văn phòng thị trưởng thành phố cho biết trong lần đến Tacoma này, ông Tập cùng vợ là bà Bành Lệ Viện sẽ tới thăm cả trường trung học Lincoln.
"Chúng tôi mong muốn chuyến công tác của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ góp phần tăng cường hơn nữa các mối hợp tác về giáo dục, văn hóa và kinh doanh của chúng tôi với Trung Quốc", bà Marilyn Strickland, thị trưởng Tacoma, nói.
Giới phân tích nhận định sở dĩ trung học Lincoln được lựa chọn là vì ngôi trường này vào năm 2008 từng ký một thỏa thuận trao đổi giáo dục với một trường ở Phúc Châu. Trường Lincoln trước đây có theo đuổi một chương trình dạy tiếng Trung và nay đang tìm cách tái khởi động.
Xem thêm: Người phụ nữ Mỹ kể chuyện đón Tập Cận Bình đến thăm nhà
Trước chuyến thăm, các quan chức Phúc Châu cũng chung tay giúp những đồng nghiệp ở Tacoma chỉnh trang Công viên Hòa giải Trung Quốc, công trình xây dựng để tưởng niệm sự kiện các cư dân gốc Trung Quốc bị trục xuất khỏi thành phố vào năm 1885 trong một giai đoạn loạn lạc.
"Chúng tôi có cảm giác phía Trung Quốc đang nỗ lực để kể một câu chuyện mang tính cá nhân như những gì ông Tập Cận Bình làm ở Muscatine, Iowa", Gregory Youtz, giáo sư âm nhạc tại Đại học Pacific Lutheran kiêm Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kết nghĩa Tacoma - Phúc Châu, bình luận.
Trọng Nghĩa