Một số người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn nỗ lực để đưa mọi thứ về vị trí hoàn chỉnh nhất. Tuy nhiên có những nền văn hóa trên khắp thế giới lại từ bỏ sự cứng nhắc và ám ảnh này, chấp nhận khái niệm về sự bất toàn. Bạn có thể tìm thấy điều đó khi tới vùng tây nam nước Mỹ và tiếp xúc với nền văn hóa của những người Navajo bản địa. Các nghệ sĩ, thợ thủ công bản địa cố tình đưa vào những sai sót trong tác phẩm của mình. Mục đích của hành động này để nhắc nhở bản thân rằng sai sót là một phần không thể thiếu của con người.
Những người thợ dệt thảm để lại những khuyết điểm nhỏ dọc đường viền, được gọi là đường ch'ihónít'i (đường tinh thần). Người dân tin rằng khi dệt một tấm thảm, người thợ dành một phần tâm trí của mình vào tấm vải. Đường linh hồn cho phép phần linh hồn bị mắc kẹt này của người thợ dệt thoát ra khỏi một cách an toàn và hoàn về với chủ.
![Người Navajo cũng tin rằng chỉ có Chúa là hoàn hảo và con người không thể đạt được mức độ hoàn hảo như vậy. Vì vậy, họ luôn cố tình để lại một chút khuyết điểm trong mọi thứ mình tạo ra. Nó có thể là một hoa văn khác với tổng thể, hoặc một hạt trang trí khác màu so với những màu còn lại. Ảnh: Amusing Planet](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2020/12/01/navajo-rug-23-2-5694-1606817733.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=41vSBryne3JMLncUL2KfkA)
Người Navajo tin rằng chỉ có Chúa là hoàn hảo và con người không thể đạt được mức độ hoàn hảo như vậy. Vì vậy, họ luôn cố tình để lại chút khuyết điểm trong mọi thứ mình tạo ra. Nó có thể là một hoa văn khác với tổng thể, hoặc một hạt trang trí khác màu so với phần còn lại. Ảnh: Less Than Perfect
Bên cạnh đó, du khách cũng có thể tìm thấy sự bất đối xứng trong các công trình kiến trúc Hồi giáo. Trần nhà hình vòm được trang trí đệp mắt ở nhiều nhà thờ Hồi giáo ở các quốc gia Arab trông có vẻ cân đối, nhưng trên thực tế luôn có những thứ bất thường nhỏ mà phần lớn du khách không nhận thấy. Ngay cả nhà thờ Chính tòa Quốc gia Washington ở thủ đô Washington D.C, Mỹ cũng có một số sai sót nhỏ. Trần nhà uốn cong trên lối đi chính của nhà thờ không giao nhau ở trung tâm, mà hơi lệch khỏi trục. Các ghế ngồi hát đồng ca của dàn hợp xướng giữa nhà thờ cũng không thẳng hàng. Tất cả đều là sự sắp đặt cố tình.
Còn tại vùng Punjab nằm trên lãnh thổ hai nước Ấn Độ - Pakistan, tồn tại một kỹ thuật thêu mang tên Phulkari. Đây là kỹ thuật thêu hoa rất phổ biến với người dân địa phương. Những hoa văn phức tạp được dệt bằng những sợi chỉ có màu sắc rực rỡ, tạo thành khăn choàng, khăn trùm đầu và trang phục.
Đôi khi, những người phụ nữ có những thay đổi nhỏ trong tác phẩm của mình như họ thêu thêm các hoa văn khác biệt vào tổng thể hoàn chỉnh. Nó được coi là những "cột mốc", đánh dấu sự kiện quan trọng đối với từng người, ví dụ như khi họ vừa đón một em bé chào đời, hay sự ra đi của một người thân.
![Du khách có thể thấy một số lỗi nhỏ trên các tác phẩm dệt của người dân dịa phương. Nhưng đây đều là những lỗi cố tình. Ảnh: Amusing Planet](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2020/12/01/1-8275-1606817734.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aVCEKwW07q8SSHWx6aTdWg)
Du khách có thể thấy một số chi tiết khác biệt với tổng thể trên các tác phẩm dệt của người dân dịa phương. Nhưng đây đều là những lỗi "cố tình". Ảnh: Amusing Planet
Tại Nhật Bản, việc tạo ra những khiếm khuyết lại là một tác phẩm nghệ thuật. Khái niệm thẩm mỹ này được gọi là wabi-sabi: nhìn thấy cái đẹp trong những điều không hoàn hảo. Là một tư tưởng xuất hiện từ thế kỷ 16, wabi-sabi gồm tính không đối xứng, thô ráp, đơn giản và đánh giá cao sự tự nhiên, vô thường, không đầy đủ.
Nghệ thuật bất toàn này có thể được tìm thấy trong một số phong cách đồ gốm như đồ gốm Hagi - có nguồn gốc từ thị trấn cùng tên ở tỉnh Yamaguchi. Loại gốm sứ này có hình dạng không hoàn toàn đối xứng, màu sắc đơn giản và nhấn mạnh vào phong cách không tinh xảo. Ví dụ, bạn sẽ thấy bát chè sẽ bị sứt mẻ hoặc có vết lõm bất thường dưới đáy.
![Một nhà trà, nơi thưởng thức trà đạo của người Nhật, được xây với kiến trúc lệch. Ảnh: Amusing Planet](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2020/12/01/wabi-sabi3-4354-1606817734.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rodaAYLb9_oem4E8FQGj2g)
Một nhà trà, nơi thưởng thức trà đạo của người Nhật, được xây với kiến trúc bất đối xứng, phản ánh tư tưởng wabi-sabi. Ảnh: Chris Spackman/Wikimedia
Anh Minh (Theo Amusing Planet)