Khi lượng người sở hữu thú cưng gia tăng trong những năm gần đây ở Trung Quốc, nghề thám tử thú cưng chuyên tìm vật nuôi mất tích cũng phát triển mạnh.
Hầu hết các thám tử thú cưng làm việc độc lập hoặc cùng một vài đồng nghiệp. Họ thu thù lao từ 420 - 4.200 USD cho mỗi trường hợp, tùy thuộc vào mức độ khó tìm, khó giải cứu của thú cưng mất tích.
"Khả năng phân tích logic và suy luận rất quan trọng. Có nhiều cách để thực hiện nhiệm vụ", Yan Zhiyon, thám tử thú cưng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc nói. Hầu hết yêu cầu anh nhận là tìm chó mèo.
Trong một cuộc tìm kiếm, Yan nhận cuộc gọi từ gia đình bị mất mèo cưng sống ở tầng 7 chung cư. Anh cho biết điều đầu tiên nhóm phải làm khi đến căn hộ là đánh giá xem liệu con mèo đã chạy ra ngoài hay đang ở đâu đó trong tòa nhà.
"Lần theo dấu vết con mèo để lại, như dấu chân ở hành lang và những chiếc lông vương vãi, chúng tôi suy đoán nó có thể đang ở giữa tầng 7 và tầng 11. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện con mèo ở tầng 8", anh kể.
Trong một trường hợp khác, nhóm của Yan đã tìm thấy một con mèo ba tháng tuổi bị mắc kẹt tại khu vực thông gió. Họ phải cử một thành viên buộc dây quanh eo, bò qua hai lỗ có đường kính 50 cm để tiếp cận con mèo.
"Quá trình tìm kiếm thú cưng rất thú vị, giống công việc của một thám tử bình thường. Bạn cần chú ý đến nhiều chi tiết thường bị bỏ qua", Yan nói.
Theo báo cáo của Nhà xuất bản Nông nghiệp Trung Quốc, ước tính có 117 triệu thú cưng được nuôi ở các khu vực đô thị nước này vào cuối năm 2022, tăng 4% so với năm ngoái.
Trong 4 năm qua, công ty thám tử thú cưng của Wu Lilei ở Bắc Kinh đã tìm kiếm thành công 5.000 con vật ở các thành phố trên khắp Trung Quốc.
Ông cho biết thêm chi phí tìm kiếm và giải cứu trong nhiều trường hợp cao hơn nhiều so với mua mới một con vật tương tự, nhưng nhiều người coi thú cưng như thành viên trong gia đình. Công ty của Wu chỉ tính "phí dịch vụ cơ bản" nếu không tìm được con vật thất lạc.
"Hướng tiếp cận của chúng tôi khác nhau theo từng loài, từng độ tuổi của con vật mất tích. Công việc dựa trên kinh nghiệm của một thám tử, nhưng quan trọng hơn cả là phải làm quen với thói quen và đặc điểm của động vật", ông nói.
Đức Trung (Theo SCMP)