Đây là cảnh tượng phổ biến trong hàng nghìn cơ sở sản xuất nhỏ ở các thị trấn nông thôn, nơi quy trình xử lý chất thải nhập khẩu và phế liệu kim loại đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong nhiều năm qua.
"Có rất nhiều nhà máy xử lý chất thải nhựa, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng duyên hải đông bắc", Wang Jiuliang, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim người Trung Quốc, nói. Ông đã dành ba năm để tìm hiểu những khu vực tập trung ngành nghề nguy hiểm này, với mong muốn giúp mọi người hiểu rõ hơn về quy trình xử lý rác thải, và tác động của nó đối với môi trường và con người.
Công nhân chủ yếu là phụ nữ địa phương. Họ sống, thậm chí cho con ăn giữa hàng núi rác thải nhựa hôi thối, độc hại và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại. Tại đây, các công nhân chỉ đeo khẩu trang và găng tay, không có biện pháp bảo vệ da và cơ thể khi phải tiếp xúc với chất thải độc hại. Lương tháng trung bình của họ khi làm công việc này là khoảng 800 nhân dân tệ (130 USD).
Xem thêm: Cuộc sống ở những ngôi làng làm nghề tái chế
Trong từng chồng rác thải cao ngất là những đồ vật sắc nhọn, độc hại và nguy hiểm, có thể khiến những người làm việc với chúng hay con cái của họ bị thương. Họ không thể biết hết các nhãn mác trên vỏ chai nhựa, và có người từng mất ngón tay vì tiếp xúc với chất ăn mòn khi phân loại chúng. Những đứa trẻ ở nơi này thường có nhiều vết lở loét trên da.
Chất thải y tế, dù bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc, vẫn có thể thường xuyên xuất hiện trong các đống phế liệu. Wang từng quan sát thấy những đứa trẻ chơi cùng ống kim tiêm nằm rải rác trên mặt đất.
Theo quy định, chai nhựa phải được làm sạch trước khi đưa về Trung Quốc, nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Quy trình xử lý vật liệu tái chế tại đây thường tốn nhiều nước, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, tàn phá hệ sinh thái, giết chết nhiều cá và tôm trong sông hồ.
Theo Wang, có khoảng 15% chất thải không thể tái chế và chúng được chôn ở bãi rác gần đó hoặc đốt cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, đất đai và các con sông. Ở những ngôi làng làm nghề tái chế, nguồn nước không thể dùng để uống hay tưới tiêu. Người dân phải mua nước đóng chai để uống, và tỷ lệ ung thư của họ thường cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước.
Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu chất thải lớn nhất thế giới, chủ yếu nhập từ Mỹ, Đức, Pháp, Australia, Hàn Quốc... Ở đây, người mua phế liệu thậm chí thường trả giá cao gấp đôi để mua các đồ đã bỏ đi. Theo số liệu thống kê chính thức, trong năm 2013, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 54,85 triệu tấn chất thải, cao hơn gấp 5 lần so với con số năm ba năm trước đó. Phế thải xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng, bất chấp nhiều quy định hạn chế được thắt chặt. Lượng giao dịch nhập khẩu chất thải từ Mỹ tăng gấp 14 lần kể từ năm 2000, đạt mức 11,54 tỷ trong năm 2011.
Anh Hoàng (Theo Global Times, Want China Times)