12h đoàn đưa tang từ Hà Nội có mặt tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, 13h30 lễ hạ huyệt bắt đầu, kết thúc lúc 15h. Thời tiết Hòa Bình hửng nắng suốt lễ an táng. Giai điệu Tình ca (Hoàng Việt) qua giọng hát Trung Kiên vang lên phút tiễn biệt. Trên bàn thờ, người nhà bày hoa quả cùng chiếc micro gắn với sự nghiệp ca hát của ông. Nhiều người hâm mộ gửi đào, quất, hoa cúc tới viếng cố nghệ sĩ trong chiều cuối năm.
Vì dịch bệnh, buổi lễ hạn chế người tham gia, chỉ có vợ ông - nhà giáo Thu Hà, con cháu và một số đồng nghiệp, học trò thân thiết như Quang Thọ, Tùng Dương... Ca sĩ Thanh Lam, con dâu cũ của nghệ sĩ Trung Kiên có mặt, cùng gia đình lo hậu sự. Tuy đã ly hôn với Quốc Trung, Thanh Lam vẫn coi nghệ sĩ Trung Kiên là người bố, người thầy lớn trong cuộc sống.
Quốc Trung vững vàng lo việc cho bố. Cuối lễ an táng, anh cảm ơn mọi người, cho biết điều anh nhớ nhất trong phút cuối là những lần bị bố "véo tai, đá đít". Trước đó, trong lễ viếng ở Hà Nội hôm 30/1, Quốc Trung nói: "Bố đã có một cuộc đời thật đẹp với đầy ắp tình yêu bằng âm nhạc. Con vô cùng tự hào là một phần trong đó, tự hào là con bố Trung Kiên. Sứ mệnh của bố là mang lại tiếng hát cho mọi người và bố đã hoàn thành vô cùng xuất sắc. Khán giả sẽ luôn nhớ tới giọng ca của bố. Nó còn vang mãi không chỉ qua những gì bố hát mà còn qua hàng trăm học sinh bố dạy dỗ". NSND Trung Kiên qua đời hôm 27/1, sau một tháng nhập viện vì tai biến mạch máu não. Trước khi mất, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, dạy học.
Ông sinh năm 1938 tại Kiến Xương, Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ngày nhỏ, ông tham gia vào dàn đồng ca như Tuổi xanh, Rạng đông của Sở Văn hóa và Thành đoàn Hà Nội. Học hết lớp 10, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1962, khi đang là sinh viên năm ba, ông được cử đi học ở Liên Xô. Sau khi về nước, ông gia nhập đoàn văn công, đi khắp các chiến trường biểu diễn cho bộ đội, thanh niên xung phong. Tháng 4/1975, ông làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, cùng nghệ sĩ Quý Dương thu âm các bài hát mừng chiến thắng.
Ông để lại khối lượng đồ sộ các bản ghi ca khúc cách mạng nổi tiếng, được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001. Ông còn là một nhà quản lý nghệ thuật xuất sắc, từng chín năm đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin. Ngoài ra, ông có nhiều công xây dựng, đào tạo sinh viên khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng là học trò của ông như: NSND Lê Dung, Phương Nga, Bích Thủy, Đăng Dương...
Huy Mạnh