Nghe tin nghệ sĩ Trung Kiên qua đời, Quốc Hưng và nhiều sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hụt hẫng, bàng hoàng. "Mười ngày nữa, các sinh viên do thầy đào tạo sẽ thi học kỳ. Thế nhưng ông không còn được chứng kiến khoảnh khắc ấy nữa", nghệ sĩ Quốc Hưng nói. Trước khi mất, ông giảng dạy tám sinh viên hệ đại học, một số nghiên cứu sinh thạc sĩ, viết dở nhiều tài liệu nghiên cứu. Ở tuổi 83, không đủ sức khỏe để hát nhiều nhưng ông luôn cố gắng thị phạm cho học trò từng chi tiết nhỏ.
Dạy học là đam mê lớn nhất trong đời ông. Từng làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, phụ trách văn hóa nghệ thuật 10 năm, ông luôn tâm niệm rời vị trí thì tiếp tục vai trò một nhà giáo. Ông dạy học vì mong muốn cống hiến, chưa từng để ý chuyện tiền nong. Trước kia, vợ ông - nghệ sĩ Thu Hà - đến trường lĩnh lương thay chồng. Sau này, tiền lương của ông cũng chuyển thẳng về tài khoản của bà Hà. Nếu học trò có hoàn cảnh khó khăn, ông còn cho họ tiền sinh hoạt.
"Gia sản" lớn nhất ông để lại là nhiều học trò thành danh, trong đó có nghệ sĩ Quang Thọ, Lê Dung, Quốc Hưng, Đăng Dương, Phương Nga, Lan Anh, Tân Nhàn. Hai nghệ sĩ Quang Thọ, Trung Kiên gắn bó từ những năm 1973, khi cùng tham dự Festival thanh niên, sinh viên thế giới ở Berlin (Đức). Sau chuyến đi, họ cùng biểu diễn ở nhiều nơi. Sau này, nghệ sĩ Trung Kiên trực tiếp hướng dẫn ông Quang Thọ học đại học, cao học ở Nhạc viện Quốc gia Việt Nam. Khi Quang Thọ trở thành nghệ sĩ biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Trung Kiên đã khuyên người đồng nghiệp, học trò nên chuyển sang hướng đào tạo, giảng dạy đội ngũ kế cận. Khi ông Quang Thọ giữ chức trưởng khoa Thanh nhạc của nhạc viện, nghệ sĩ Trung Kiên tư vấn cho ông nhiều về công tác quản lý.
"Sự ra đi của thầy Trung Kiên là tổn thất lớn lao của nền âm nhạc nói chung, giới thanh nhạc nói riêng. Chúng tôi nguyện tiếp nối tâm nguyện đào tạo đội ngũ kế cận của âm nhạc cổ điển", nghệ sĩ Quang Thọ nói.
Đăng Dương có cơ duyên gặp gỡ nghệ sĩ Trung Kiên năm 1995, khi ông đến Nhạc viện Hà Nội và mong được nghe một số giọng opera nổi bật. Hồi ấy, sinh viên thanh nhạc gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm sách hướng dẫn, giáo trình. Thế nhưng nghệ sĩ Trung Kiên có một kho tài liệu do ông tìm tòi, biên soạn. Anh nói được là học trò của ông là may mắn trong đời.
Chất giọng tenor (nam cao) của ông được nghệ sĩ Quang Thọ đánh giá là chuẩn mực. "Ông là giọng ca thuộc thế hệ vàng những năm đầu thập niên 1960, tiếp nối các nghệ sĩ thuộc thế hệ trước như Quốc Hương, Mai Khanh, Trần Khánh. Nhờ được đào tạo thanh nhạc ở Ukraine, ông có vốn kiến thức phong phú, được để lại qua nhiều giáo trình nghiên cứu được sử dụng ở khắp các trường nhạc Việt Nam", nghệ sĩ Quang Thọ nói.
Không được nghệ sĩ Trung Kiên trực tiếp dạy dỗ nhưng Tùng Dương ngưỡng mộ giọng hát hào sảng, bay bổng và đanh thép của ông, qua các ca khúc như Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân), Tình ca (Hoàng Việt)... Anh học tập ở ông sự nghiêm túc mỗi lần lên sân khấu.
Trong một cuộc phỏng vấn vài năm trước, ông bày tỏ quan điểm đã lên sân khấu không bao giờ hát nhép. "Nếu không hát được nữa thì thôi chứ cố để làm gì. Không hát được nữa thì về mở cửa hiệu buôn bán, cắt tóc, ai lại hát nhép, xấu hổ lắm", ông nói. Nghệ sĩ khắt khe với bản thân và học trò. Các con, cháu đều theo nghệ thuật nhưng ông không bao giờ khen lên mây. Sau khi con trai ông - nhạc sĩ Quốc Trung - và ca sĩ Thanh Lam ly hôn, ông và vợ nuôi dạy hai cháu. Bà Thu Hà dạy Đăng Quang đàn piano còn ông dạy Thiện Thanh thanh nhạc.
Ngoài tuổi 70, ông thường đi hát vì tình nghĩa, lấy thù lao vừa phải để ủng hộ bạn bè. Năm 2015, khi tham gia đêm nhạc của Dương Thụ, ông chỉ nhận cát-xê năm triệu đồng. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc kể vài tháng trước, nghệ sĩ Trung Kiên gọi và bàn chuyện phổ biến các bài Romance và ca khúc cho giọng hát với piano của ông Phúc. Trước đây, khi ông Phúc chưa in tuyển tập, trong một hội nghị tập huấn thanh nhạc cho giảng viên nhiều trường hai miền Nam - Bắc, nghệ sĩ Trung Kiên bỏ tiền túi photo tặng mỗi người một bản.
Trong cuộc sống, nghệ sĩ Trung Kiên là người khiêm nhường, hài hước. Ông không bao giờ quát tháo học sinh, con cháu mà thường ôn tồn giải thích để họ thấu hiểu. Nhiều năm nay, ông vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với con dâu cũ - Thanh Lam. Thỉnh thoảng, chị vẫn nhờ ông hướng dẫn tập bài. Với chị, ông mãi là người cha, người thầy đáng kính.
Khi ông đổ bệnh, Tùng Dương từng đến thăm ông. "Lúc đó, nhạc sĩ mệt mỏi nhưng vẫn gắng gượng. Ông chuyện trò hóm hỉnh, lạc quan. Đức tính khiêm nhường nhưng quyết liệt trong nghệ thuật của ông tạo cảm hứng cho thế hệ con cháu. Ông đã sống trọn sứ mệnh của một nhà giáo chân chính, một nghệ sĩ lớn", Tùng Dương nói.
Hà Thu