Chị Hồng - con dâu nghệ sĩ - cho biết Trần Hạnh mất trong vòng tay các con, cháu. Trước Tết, nhiều đạo diễn mời ông đi đóng phim hài. Nghệ sĩ háo hức, rất muốn tham gia nhưng vì sức khỏe yếu, ông đành ở nhà. Từ khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019, ông đóng thêm vài quảng cáo. Những năm qua, sức khỏe ông xuống dốc, mắc bệnh tim mạch, bị hỏng một mắt và một số bệnh tuổi già. Ông nằm viện một thời gian trước khi qua đời.
Lễ viếng nghệ sĩ diễn ra vào 9h30 ngày 6/3 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Linh cữu ông được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển.
Nghệ sĩ có bảy con nhưng ba người đã mất. Cuộc sống của ông trải qua nhiều vất vả. Nhiều năm trời chăm vợ ốm liệt giường cho tới khi bà mất, về già Trần Hạnh phải chăm người con trai ngoài 40 tuổi bị chấn thương não vì tai nạn, mới đỡ hơn vài năm nay. Tuy nhiên, ông không cho mình là người bất hạnh. Ông sống cuộc đời giản dị, không đòi hỏi quá nhiều, hài lòng với những gì đã nhận. Ở tuổi gần 90, khi được hỏi: "Tên ông là Trần Hạnh. Theo ông, hạnh này là hạnh phúc hay bất hạnh?", Trần Hạnh cười tươi: "Hạnh phúc. Tôi được như ngày hôm nay là mừng lắm rồi".
Lúc còn khỏe, ông vẫn thường ra cửa hàng quần áo của con dâu ở ga Hà Nội, phụ con bán hàng. Hình ảnh ông già khắc khổ trên phim và giản dị ngoài đời trở thành quen thuộc với nhiều khán giả. Mỗi lần có khách nhận ra mặt, ông đều chối, nói: "Tôi không phải Trần Hạnh đâu".
Niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời Trần Hạnh là được diễn xuất. Ông từng nói: "Có cho vàng cũng không thích bằng có vai diễn". Ông không bao giờ đặt nặng chuyện thù lao. "Ai mời tôi đi làm mà hỏi chuyện thù lao đầu tiên, tôi sẽ thẳng thừng từ chối. Tôi chỉ sợ mình làm không tốt chứ không sợ cátxê thấp. Sau khi tôi làm xong rồi, ai muốn đưa tôi bao nhiêu thì đưa. Tôi không mặc cả", ông nói trong cuộc phỏng vấn năm 2018. Khi được Sở Văn hóa và Thể thao Hà nội đưa vào diện đặc cách xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ông bình thản, không kỳ vọng, chỉ đau đáu được đóng một vai dài, có sức nặng. Năm 2019, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 90.
Nghệ sĩ Tiến Đạt nói đau xót khi nghe tin đàn anh qua đời. Ông là một trong những lớp nghệ sĩ kế cận của Trần Hạnh tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Thuở mới vào nghề, ông nhiều lần được nghệ sĩ hướng dẫn, chia sẻ cách diễn, biến hóa nhân vật. Sau này, cả hai đóng chung một số vở kịch. "Bình thường anh ấy trông hiền lành, tao nhã vậy đấy nhưng khi bắt tay vào công việc là rất chỉnh chu, quyết liệt, thậm chí có chút khó tính trong từng chi tiết. Anh Hạnh tâm huyết với nghiệp diễn, với các thế hệ đàn em", Tiến Đạt nói.
Trần Hạnh sinh năm 1929. Ông được công chúng yêu mến qua nhiều vai diễn gắn với hình ảnh người nông dân chất phác. Ông quen thuộc trong các phim truyền hình khi đóng bí thư đảng ủy của Làng nổi, bố An trong Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong Người cầu may, ông Lâm trong Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong Hãy tha thứ cho em...
Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngày 25/1/1994. Năm 1996, ông giành giải "Nam diễn viên xuất sắc" trong phim truyện Nước mắt đàn bà tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim Ngõ lỗ thủng của đạo diễn Quốc Trọng.
Những năm 1970, 1980, ông có nhiều vai diễn thành công trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, điển hình là vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm một vai chính trong các vở Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu... Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng dành cho Trần Hạnh lời khen: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội".
Hà Thu - Hoàng Huế