"Trước đây, tôi từng nghĩ giá như được ghi nhận sớm, trở thành Nghệ sĩ Nhân dân khi 60 tuổi thì tốt biết mấy. Như vậy, mình sẽ có động lực cống hiến. Thế nhưng sau nhiều năm, tôi không còn đặt nặng vấn đề này, chỉ mong có vai diễn để được làm nghề. Giờ đây, khi được Nhà nước, công chúng ghi nhận, tôi thấy được an ủi phần nào vì ít ra mình vẫn còn sống. Tôi tiếc nuối cho nhiều đồng nghiệp ra đi khi chưa kịp nhận danh hiệu", nghệ sĩ Trần Hạnh chia sẻ.
Hai tuần nay, gia đình ông nhộn nhịp vì nhiều người thân, bạn bè đến hỏi han, chúc mừng ông. Lúc mới biết tin, ông nói thấy bình thản. Đến khi nhận được giấy mời dự lễ trao giải vài ngày trước, ông mới háo hức. "Ban tổ chức yêu cầu mặc vest nhưng trời nóng quá nên tôi chuẩn bị một chiếc áo sơ mi và quần âu. Con cái bận rộn nên hôm đó, tôi nhờ cậu xe ôm đầu ngõ chở đi là được", ông cho biết.
Nghệ sĩ Trần Hạnh ở tuổi 90. |
Một năm nay, sức khỏe Trần Hạnh xuống dốc, các bác sĩ mới chẩn đoán mắt phải của ông hỏng hoàn toàn, thị lực mắt trái chỉ còn 30%. Tay, chân yếu dần khiến ông phải từ bỏ việc đi xe máy. Dù di chuyển chậm chạp, khó khăn hơn trước, nghệ sĩ cố gắng tự lo mọi sinh hoạt hàng ngày. Căn nhà rộng 20 mét vuông ở phố Linh Lang của gia đình ông bố trí tầng một để xe máy, bàn tiếp khách, phòng ăn ở tầng hai, phòng ngủ của ông tầng ba, hai vợ chồng con trai ở tầng bốn. Thỉnh thoảng, ông phải nhờ người dìu xuống vì chân chậm, tay run.
Sáng sáng, con dâu chở ông ra cửa hàng ở ga Trần Quý Cáp ngồi chuyện trò, hàn huyên với bạn bè cho đỡ buồn. Buổi chiều, ông ở nhà nghỉ ngơi. Vốn là người thích đi đây đi đó, nghệ sĩ ví von cảnh ở nhà một mình "bí bách như đi tù". Ông nhớ mấy năm trước, khi sức khỏe ổn định, ông vẫn tự lái chiếc xe Honda 82 đến Đài Truyền hình Việt Nam ở Nguyễn Chí Thanh rồi lên xe khách cùng đi với đoàn. Phim truyền hình gần nhất nghệ sĩ tham gia là Bão qua làng (2014) của đạo diễn Quốc Trọng. Sau đó, ông đóng một số tiểu phẩm hài và nhận một vai nhỏ trong phim điện ảnh Cha cõng con (2017) của đạo diễn Lương Đình Dũng.
Để hạn chế chứng giảm trí nhớ, ông thường tập luyện bằng cách ôn lại những kỷ niệm, vai diễn cũ. Ông nhớ như in ngày gần 30 tuổi, là công nhân đóng giày. Sáng sáng, Trần Hạnh làm việc ở xưởng, tối về sinh hoạt ở Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội cùng những người bạn như Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Trần Minh Ngọc. Sau này, ông về Đoàn Kịch Hà Nội, chấp nhận cuộc sống chật vật với vài chục đồng lương mỗi tháng. "Tôi nhớ lương bậc hai được 47 đồng và vài hào bồi dưỡng, vừa đủ đong gạo cho hai vợ chồng và ba đứa con. Bà xã tôi khi ấy cũng vất vả, phải chạy vạy đủ đường", Trần Hạnh nhớ lại.
Không học qua trường lớp diễn xuất nhưng những ngày tham gia phong trào văn nghệ quần chúng cùng nhiều năm đứng trên sân khấu rèn luyện cho Trần Hạnh khả năng nhập vai linh hoạt. Thời kỳ công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội, ông từng đóng anh bộ đội, người nông dân, vua chúa... Vai diễn khiến ông nhớ nhất là Nguyễn Trãi trong vở Lam Sơn tụ nghĩa. Ông kể hồi trẻ, ngoại hình mình khá "khang trang" nên lột tả được khí chất hào sảng của người anh hùng dân tộc.
Trong tập sách Người Hà Nội, cố nhà văn Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội". Những năm đầu thập niên 1980, Lam Sơn tụ nghĩa là một trong những vở ăn khách của Nhà hát Kịch Hà Nội, nhiều hôm diễn phục vụ khán giả đến ba suất - sáng, chiều, tối. Sinh hoạt ở nhà hát, ông được truyền tình yêu nghề từ cố NSND Nguyễn Đình Nghi. "Những ngày sân khấu không làm việc. Nhà hát buồn như một nghĩa trang", Trần Hạnh đọc hai câu thơ mà ông và các bạn thường rỉ tai nhau một thời.
Đam mê sân khấu kịch nhưng Trần Hạnh được nhiều khán giả biết đến nhờ các phim truyền hình. Ở tuổi 60, sau khi về hưu, ông để lại dấu ấn trong lòng người xem bởi loạt vai khắc khổ trong các phim Truyện cổ tích tuổi 17, Người cầu may, Chiếc bình tiền kiếp, Hãy tha thứ cho em, Ngõ lỗ thủng...
Ông thích vai Bình trong Truyện cổ tích tuổi 17 (1988) - một ông bố đơn thân, nuôi con sau khi vợ mất. Trở về từ chiến trường, ông Bình tâm lý, điềm tĩnh, cho con gái nhiều lời khuyên khi cô trót phải lòng một chiến sĩ trẻ ở tuổi 17. Vai ông Thuật trong Kẻ không cầu may (2000) cũng khiến Trần Hạnh day dứt. Vào vai người đàn ông bị nhà máy xe đạp sa thải, hành nghề bơm vá kiếm tiền qua ngày, khao khát đổi đời nhờ một chiếc vé số, ông lột tả được tâm trạng cô đơn, tuyệt vọng của người lao động thời bao cấp.
Hiện tại, Trần Hạnh vẫn nhận được vài lời mời đóng phim nhưng sức khỏe không đảm bảo nên đành từ chối. Thỉnh thoảng, những lúc cửa hàng vắng khách, con dâu vẫn đọc kịch bản cho ông nghe để khuây khỏa, bớt nhớ nghề. "Tôi buồn nhiều vì sức khỏe yếu, không thể đi đóng phim, cũng không phụ giúp được con cháu. Tôi may mắn vì con dâu rất hiếu thảo, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của bố", Trần Hạnh tâm sự.
Những lúc ngồi một mình, ông nhớ về người vợ đã mất 10 năm trước. Ông tận tụy chăm sóc bà bị bệnh tai biến, nằm liệt giường nhiều năm. Ông gọi đó là những tháng ngày "trả nghĩa" cho vợ bởi bà từng chắt chiu chăm lo gia đình, để chồng tận hiến với nghề. "Tôi không còn nặng lòng với điều gì, chỉ mong mắt sáng, chân, tay khỏe để không làm phiền con cháu và nếu có xuống suối vàng, tôi cũng dễ tìm bà xã hơn", Trần Hạnh nói.
Hà Thu