Biết tin nghệ sĩ Tiến Hợi qua đời, diễn viên Thu Hà - đồng nghiệp thân thiết với ông - vào bệnh viện nhìn mặt đàn anh lần cuối. Hai người hoạt động chung ở Đoàn Văn công Quân khu 2, sau này lại cùng làm việc ở Nhà hát Kịch Hà Nội.
Trước đó, sức khỏe ông ổn, chỉ mới phát bệnh trước Tết Nguyên đán. Khi Thu Hà vào thăm hôm 8/10, nghệ sĩ hồ hởi nói có đạo diễn hai chương trình đang chờ ông khỏi bệnh để tập luyện. Thu Hà cho biết: "Tôi và nhiều bạn đồng nghiệp đều chờ mong điều kỳ diệu, hy vọng nghệ sĩ có thể kéo dài sự sống nhưng không được. Mọi việc xảy ra quá đột ngột". Hai năm nay, nghệ sĩ Tiến Hợi nghỉ hưu nhưng vẫn được mời tham gia nhiều sự kiện nghệ thuật.
Tiến Hợi tái hiện thành công hình tượng nhờ nghiên cứu tỉ mỉ. Diễn viên lần đầu bén duyên vai Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1987 với vở kịch Đêm trắng, khi mới 28 tuổi. Đoàn Văn công Quân khu 2 khi ấy gặp khó khăn khâu tìm diễn viên chính, định thuê nghệ sĩ ở ngoài nhưng không khả thi. Do đặc thù phải liên tục hành quân để phục vụ các chiến sĩ, diễn viên không xuất thân quân đội khó đáp ứng yêu cầu thể lực. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang chọn ra hai người, trong đó có Tiến Hợi, để hóa trang. Nhìn ảnh chụp, mọi người đánh giá ông có ánh mắt, khuôn mặt, dáng dấp giống Hồ Chủ tịch.
Hai tháng rưỡi tập luyện, ngoài thời gian khớp thoại cùng đồng nghiệp, diễn viên dành tâm huyết đọc sách báo, truyện, nghe các cuốn băng. Để hiểu rõ nhân vật mình đóng, Tiến Hợi nhiều lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, trò chuyện với ông Vũ Kỳ - thư ký của cố chủ tịch.
Nghệ sĩ Thu Hà - đóng vai ca sĩ trong Đêm trắng - nhớ Tiến Hợi là người xông xáo, nhiệt tình trong công việc. Diễn viên nói: "Ban ngày, chúng tôi hành quân hàng trăm cây số. Riêng nghệ sĩ Tiến Hợi vất vả hơn mọi người ở chỗ phải ngồi trang điểm hàng tiếng đồng hồ. Vậy mà mỗi tối, sau khi trút bỏ lớp hóa trang, chú lại xắn tay áo làm công việc hậu đài, lo liệu bối cảnh, âm thanh, sân khấu". Thu Hà kém Tiến Hợi 10 tuổi, thường gọi ông là chú để thể hiện sự tôn trọng.
Năm 1987, khi Đoàn Văn công Quân khu 2 giải thể, nghệ sĩ vào Nhà hát Kịch Hà Nội. Tại cơ quan mới, Tiến Hợi tiếp tục gắn bó hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các vở kịch. Trong số đó, vai chính trong vở Xin lĩnh án tử hình giúp ông đoạt huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992. Thu Hà nói: "Nghệ sĩ từng đóng một số dạng nhân vật khác, nhưng tâm huyết nhất với vai Hồ Chủ tịch. Chú là trường hợp diễn viên hiếm hoi thành công với một hình tượng xuyên suốt, được khán giả ghi nhớ".
Năm 1989, Thu Hà tiếp tục hợp tác với Tiến Hợi trong phim điện ảnh Hẹn gặp lại ở Sài Gòn, bối cảnh năm 1895-1909, khi Nguyễn Tất Thành chuẩn bị ra nước ngoài. Thu Hà đóng Út Vân, cô gái miền Nam có tình cảm với người thanh niên yêu nước.
Năm 1996, khi đóng Hà Nội mùa đông năm 46, tái hiện giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh 56 tuổi, nghệ sĩ Tiến Hợi tìm tòi hoạt động cách mạng của cụ Hồ thời gian ở chiến khu Việt Bắc. Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nhớ trong quá trình quay, Tiến Hợi luôn tự chuẩn bị đạo cụ. Đôi dép cao su, quần áo, mũ cối đều được ông nâng niu. Tại nhà, ông cũng dành một góc trưng bày các kỷ vật này.
Lặp đi lặp lại một hình tượng nhưng nghệ sĩ không sợ các vai diễn bị một màu. Ông từng cho biết mất nhiều thời gian nghiên cứu nhân vật ở mỗi giai đoạn tuổi tác khác nhau, trước những biến động của thời cuộc, lịch sử. Ngoài ra, yếu tố làm nên thành công của Tiến Hợi là ông có giọng nói, cách nhấn nhá giống Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghệ sĩ vận dụng chất giọng ở quê nội Nghệ An, đồng thời nghe băng, đĩa, tập nói mỗi ngày.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nhận định: "Tôi nghĩ anh là người đóng Bác Hồ hay nhất, không chỉ thể hiện hình thức mà còn lột tả được tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ánh mắt, giọng nói. Ngoài đời, nhất là trong công việc, nghệ sĩ luôn nghiêm túc, tập trung, tôi nghĩ anh ảnh hưởng một phần phong thái của nhân vật mình hóa thân".
Ngoài vai diễn trong vở kịch Đêm trắng và hai phim điện ảnh nổi tiếng, nghệ sĩ nhiều lần đóng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các vở kịch, phim truyền hình và chương trình lễ hội, kỷ niệm. Năm 2013, sách Kỷ lục Guinnes Việt Nam công nhận "Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ qua nhiều thể loại nhất".
Vai diễn không chỉ giúp Tiến Hợi thành danh, mà còn đưa đẩy ông gặp gỡ tình yêu của cuộc đời. Khi công tác ở Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn, bà Vương Đạm Thủy được cử đi học ngành hóa trang nên gặp gỡ, yêu và cưới nghệ sĩ Tiến Hợi. Từ năm 1987 đến trước khi ông qua đời, bà có hàng nghìn lần hóa trang cho chồng. Bà Thủy cho biết mỗi lần làm việc, bà vẽ những nét cơ bản, còn chồng góp ý từng chi tiết như tạo hình nếp nhăn ở đâu, tỉa râu thế nào. Bà cho rằng việc hóa trang chỉ chiếm 40% thành công, còn diễn xuất, linh hồn của nghệ sĩ mới là điều thuyết phục khán giả.
Hà Thu