![]() |
Nghệ sĩ Tiến Hợi (trái). |
- Cảm xúc của anh thế nào những khi được chọn vào vai Bác Hồ?
- Quả thật, khi nhận vai này tôi thấy lo âu nhiều hơn là sung sướng bởi đây là một vai diễn quá lớn. Để thể hiện vai Bác Hồ thật ấn tượng trước công chúng, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Và vất vả nhất là khâu tìm tài liệu nghiên cứu để xem, suy ngẫm.
- Anh có thể nói cụ thể hơn về các vai diễn trong từng thời kỳ?
- Cùng là một vai Bác Hồ nhưng không vai nào giống vai nào. Ví như vở Đêm trắng của đạo diễn Doãn Hoàng Giang (năm 1987), tôi phải thể hiện cùng một lúc 3 tính cách của Bác: sự bực tức, tính chan hoà và tình cảm dành cho những người chiến sĩ. Đến bộ phim nhựa Hẹn gặp lại Sài Gòn (năm 1990) của đạo diễn Long Vân, khi vào vai Nguyễn Tất Thành với tính cách và ngôn ngữ hơi cổ, tôi đã phải mất rất nhiều ngày trò chuyện với người dân Huế, đặc biệt là những người am hiểu sâu sắc về cuộc đời Bác. Năm 1997, đạo diễn Đặng Nhật Minh mời tôi tham gia Hà Nội mùa đông năm 1946. Bộ phim này yêu cầu diễn viên phải thể hiện tính cách của Bác như một ông già VN sang trọng, lịch lãm, gần gũi nhưng cũng rất kiên quyết trước vận mệnh đất nước. Năm 2001, một đạo diễn người Pháp làm phim Tuyết Đông Dương, nói về cuộc đời và sự nghiệp của Bác cũng mời tôi tham gia. Tính cách của Bác trong bộ phim này là sự thản nhiên, dung dị mà không nhún nhường. Không biết có phải là "duyên nợ" không mà tôi đã vào vai Bác Hồ qua các vở Một kỷ niệm khó quên, Một sáng tháng 5, Người công dân số 1, Lịch sử và nhân chứng, Một chặng đường lịch sử, Xin lĩnh án tử hình, Vị thánh trong mơ...
- Anh đánh giá thế nào về nghệ thuật hoá trang của ta hiện nay?
- Có thể nói là kém, kém ở đây không phải không đủ trình độ, cái cốt lõi là ta chưa chú trọng và không có đủ nguyên liệu hoá trang. Hoá trang chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng chính cái nhỏ đó lại tạo nên một phong cách bắt hồn của khuôn mặt diễn viên khi xuất hiện trước khán giả.
- Mặt bằng chung của kinh tế thị trường hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống các nghệ sĩ khiến một bộ phận phải đổi nghề. Thế còn anh?
- 25 năm theo đuổi nghề và dành hết tâm huyết cho nó đâu có dễ dàng gì mà từ bỏ được. Lứa tuổi như tôi và các đồng nghiệp nếu có đổi nghề thì biết làm gì? Thôi thì cái gì cũng phải đánh đổi cả, thà rằng cứ cống hiến được đến đâu hay đến đó. Nghệ thuật là kiếp đa mang mà!
(Theo Kinh Tế & Đô Thị)