Nghệ sĩ nói về gia đình, cuộc sống tuổi 63, dịp đóng phim kinh dị Tết ở làng địa ngục.
- Ông đối diện thử thách gì khi cùng lúc đảm nhận hai hình tượng lão ăn mày què và sói lửa trong phim kinh dị mới ra mắt?
- Nhân vật của tôi có phần hóa trang khó nhất phim, nhưng may mắn để lại ấn tượng cho khán giả. Với tạo hình lão ăn mày què, tôi phải quặp hai chân lại, đắp đầu gối giả vào. Tôi cứ di chuyển trên nền đất lạnh, gồ ghề với tư thế ngồi như vậy. Tôi nghĩ đến cách để nhân vật đi ngựa, nhưng yên của nó dùng để thồ hàng, không thể cưỡi. Về sau ở một số cảnh phim, khi đi qua những con đường gập ghềnh, Võ Tấn Phát (vai Tam Quỷ) sẽ cõng tôi. Khi ngồi trên lưng bạn ấy, tôi cũng phải co chân, không được duỗi ra.
Sói lửa cũng là tạo hình phức tạp mà đội hóa trang đã dày công thực hiện. Tôi dành gần 13 tiếng, gần như không mặc quần áo dưới trời lạnh giá để "hóa sói''. Các bạn hóa trang phải để một chậu nhôm than phía trước và sau tôi, bên cạnh là chiếc đèn sưởi nhỏ. Ngoài ra, 10 đầu ngón tay, chân của tôi cũng được thiết kế bộ móng riêng, dán bằng keo, rất khó tháo.
Trong phim, sói xuất hiện khoảng sáu đêm. Thời gian đó, tôi phải quay từ 17h đến khoảng 5h hôm sau, đôi khi kéo dài đến 7h. Để kịp giờ quay, tôi phải tạo hình từ 12h trưa. Cả ngày tôi chỉ ăn nhẹ, không dám uống nước. Khi kết thúc, tôi mới được đi vệ sinh. Sau đó, tôi mất hai tiếng để xóa lớp hóa trang trên người.
Lần đầu làm thể loại kinh dị, tôi khá đắn đo. Vì tôi thuộc thế hệ cũ, khi dấn thân vào con đường mới không thể xông xáo như các bạn trẻ. Tuy nhiên, được nhà sản xuất đặt niềm tin, tôi quyết định thử sức. Đây là vai diễn vừa khó về tạo hình, vừa thử thách tôi về tâm lý nhân vật.
- Người thân nói gì trước những khó khăn của ông khi đi quay phim?
- Sau khi đóng máy, biết được hoàn cảnh làm phim và xem một số hình ảnh tôi chụp lại, vợ nói vui: "Lần sau phim thế này thì đừng làm" vì sợ tôi bị ảnh hưởng sức khỏe. Tôi nghe xong phải động viên, nói mọi chuyện sẽ ổn thôi. Tôi nghĩ những khó khăn khi đóng phim là chuyện bình thường, không có gì to tát.
Khi tôi đi làm, người thân rất ủng hộ, đồng cảm. Điều này giúp tôi có thêm động lực. Với dự án Tết ở làng địa ngục, tôi đi quay trong hai tháng, về thăm nhà hai lần. Thời gian ấy, vợ phải vất vả lo công việc, quán xuyến nhà cửa, chăm sóc con cái. Dù vậy, cô ấy chấp nhận và thông cảm, tạo điều kiện để tôi làm nghề. Vợ tôn trọng việc tôi đi sớm về khuya hay có những buổi giao lưu bạn bè. Tôi cũng không can thiệp vào cuộc sống của bà xã, cô ấy vẫn có những không gian riêng.
- Bà xã thường nhận xét những vai diễn của ông thế nào?
- Cô ấy toàn chê (cười), nói sao không diễn thế này hay thế kia nhưng mang ý vui vẻ chứ không tiêu cực. Trong những lời nói ấy cũng có động viên tinh thần tôi. Đương nhiên những người thân với mình sẽ kỳ vọng nhiều hơn. Tôi thấy khen chê là bình thường, không có gì phải suy nghĩ.
- Cách xa tuổi vợ, ông thể hiện sự lãng mạn với bà xã ra sao?
- Đó có lẽ là điểm yếu của tôi. Tuy biết nhiều bài thơ tình, tôi chưa từng đọc một câu trước phụ nữ. Tôi muốn cuộc sống của mình đơn giản một cách tối đa nên không bao giờ thể hiện lãng mạn với vợ. Tôi không rõ vợ có chạnh lòng hay không, phải hỏi cô ấy mới biết được (cười).
Dù nhiều tuổi, tôi tôn trọng những gì thuộc về thế hệ trẻ, miễn đừng lố lăng quá. Tôi sống chuẩn mực, có nề nếp nhưng không phải người cổ hủ. Trong cuộc sống gia đình cũng thế, tôi không bắt vợ phải theo nếp sống của mình. Điều này chỉ làm khó nhau.
- Thu nhập từ nghề giúp ông chăm sóc gia đình thế nào?
- Tôi tự lập từ sớm, làm nghề để thỏa mãn đam mê nhưng cũng mong kiếm được tiền nuôi bản thân và chăm sóc vợ con. Tôi may mắn có sự chung tay của bà xã, hai vợ chồng cùng xây dựng kinh tế chứ không chỉ từ một phía. Vợ là lao động tự do, cũng đỡ đần cho tôi về mặt tài chính. Chúng tôi rất thoải mái, không phân chia ai là người giữ tiền. Khi có việc lớn, tôi hoặc vợ chỉ cần báo với nhau một câu, sau đó chủ động giải quyết vấn đề.
- Ông làm thế nào để gần gũi với con trai 17 tuổi và con gái tám tuổi?
- Tôi nghĩ chỉ cần yêu con sẽ làm được tất cả. Với các con, tôi tôn trọng suy nghĩ của chúng. Khi cần dạy dỗ, tôi và vợ vẫn nghiêm nhưng làm sao để con chấp nhận, tiếp thu và "tâm phục khẩu phục". Mỗi người có một cách giáo dục, quan trọng con phải vui vẻ với những điều được dạy. Theo tôi điều này rất khó, đòi hỏi sự kiên trì.
Tôi quan niệm "lạt mềm buộc chặt". Ở nhà, tôi mắng con nhưng hàng xóm không nghe thấy (cười). Không nhất thiết phải dùng bạo lực hay lớn tiếng mới là dạy con.
- Ở tuổi 63, nỗi sợ của ông là gì?
- Tôi sợ nhất không có sức khỏe. Lúc đó tôi sẽ như "phế binh", không thể làm được gì. Tôi luôn cố gắng tiến về phía trước bằng khả năng của mình. Đó không chỉ là động lực tồn tại, mà còn là niềm vui của người nghệ sĩ. Tôi thấy may mắn khi không bị ốm trong thời gian quay phim Tết ở làng địa ngục, dù nhiều diễn viên ít tuổi hơn đã "gục" vì địa hình, thời tiết khắc nghiệt và nhiễm Covid-19.
Từ khi về hưu, tôi thấy mình bận hơn trước. Nếu một ngày không có lịch trình, tôi thường uống cà phê buổi sáng, với tôi đó cũng là một thú vui. Chiều đến, các con đi học về, quỹ thời gian của tôi sẽ dành cho chúng. Ngoài ra, tôi duy trì việc đọc, dù chỉ mười, hai mươi trang sách. Tôi nghĩ làm nghề nên hình thành thói quen đọc sách để bổ sung kiến thức.
Phú Đôn sinh năm 1960, cha là Nghệ sĩ Ưu tú Lại Phú Cương. Ông có 40 năm gắn bó Nhà hát Kịch Việt Nam, trước khi nghỉ hưu tháng 5/2020. Với dáng người gầy gò, làn da ngăm đen, gương mặt toát lên vẻ khắc khổ, nghệ sĩ thường vào vai nghèo khó. Phú Đôn ghi dấu ấn trong các phim truyền hình như: Tivi về làng, Ma làng, Bão qua làng, Nàng dâu order, Hoa hồng trên ngực trái... Nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2019.
Phương Linh