Idecaf là sàn diễn đầu tiên tái xuất sau tám tháng giới kịch "đóng băng" vì dịch. "Bầu" Huỳnh Anh Tuấn cho biết sân khấu của ông diễn hai vở - Cậu Đồng và Ngũ quý kỳ phùng, từ mùng một đến mùng sáu (1-6/2). Trước đó, Idecaf bán thử ba suất diễn trước Tết (26-28/1), đều "cháy" vé. Ông Tuấn nói: "Chúng tôi bất ngờ trước tín hiệu vui, có lẽ vì đã lâu khán giả chưa đi xem kịch, nhớ không khí sàn diễn". Sau khi thăm dò hiệu ứng công chúng, êkíp lên kế hoạch mở bán vé Tết từ ngày 16/1.
Để thưởng thức tác phẩm ở sân khấu này, khán giả được yêu cầu có thẻ xanh tiêm phòng Covid-19 hoặc giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh trong vòng sáu tháng. Người xem trên 12 tuổi, chưa tiêm vaccine cần xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh có hiệu lực trong 72 giờ. Vé cũng đổi sang dạng mã QR, thay vì in giấy, để bảo đảm nguyên tắc phòng dịch.
Phấn khởi khi kịch Tết vào mùa là tâm trạng chung của các ông, bà "bầu". Tết năm ngoái, các sàn diễn Sài Gòn phải đóng cửa vì dịch. Mở lại một thời gian, đến tháng 5/2021, họ tiếp tục "án binh bất động" hơn nửa năm khi TP HCM yêu cầu ngừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Hồng Vân cho biết đang đôn đốc các diễn viên sân khấu Phú Nhuận tập dượt kịch bản, định trang cho loạt vở diễn. Năm nay, đơn vị này diễn xuyên Tết, mỗi ngày hai suất với các vở Ngôi nhà trên thuyền, Thân sâu hồn bướm, Người vợ ma, Điềm báo... Hồng Vân tiếp tục theo đuổi hai thể loại ăn khách - hài lãng mạn và kinh dị. Nghệ sĩ nói: "Tôi hy vọng sau hai năm sân khấu lao đao, nghệ sĩ có được cái Tết ấm no".
Hoàng Thái Thanh cũng gia nhập đường đua với các vở Bạch Hải Đường, Bông hồng cài áo, Sài Gòn có một ngã tư... Nghệ sĩ Ái Như - quản lý sân khấu - cho biết dịp Liên hoan kịch nói toàn quốc, đơn vị của tham gia với hai vở, bán với lượng vé hạn chế (khoảng 100 ghế mỗi suất) để thăm dò thị hiếu khán giả. Thấy suất diễn "cháy" vé, chị tự tin hơn để làm kịch Tết.
Đạo diễn Ngọc Hùng - sân khấu Thế Giới Trẻ - cho biết đang lên kế hoạch diễn lại loạt vở năm ngoái, vốn phải gác lại vì sàn diễn đóng cửa, như Lò võ Thiếu Lâm, Bao giờ mẹ lấy chồng, Bật công tắc là yêu, Ngược gió... Đạo diễn nói: "Mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi chỉ cần tập dượt lại trước khi công diễn".
Dù chưa có lịch, bà "bầu" Mỹ Uyên cho biết sân khấu 5B Võ Văn Tần đang lên ý tưởng cho một mùa kịch Tết xôm tụ. Ngoài việc diễn lại các vở cũ, êkíp chuẩn bị một chương trình hài. Mỹ Uyên nói: "Dù khó khăn chồng chất, chúng tôi quan niệm Tết phải có cái mới để phục vụ khán giả".
Với các nghệ sĩ, tín hiệu vui từ mùa kịch Tết phần nào xua tan nỗi buồn năm cũ. Mỹ Uyên cho biết năm ngoái bỏ tiền túi đầu tư hàng trăm triệu đồng cho vở Rồi mắc gì cười, diễn được bốn suất thì sàn diễn đóng cửa. Mùa giỗ tổ hồi tháng 9/2021, lên thăm sân khấu, chị rưng rưng khi "thánh đường" ám bụi, lá rụng đầy hành lang. Còn Hồng Vân nhiều phen nản lòng vì sàn diễn chỉ hoạt động cầm chừng, công chúng ngày một rơi rụng. Đợt dịch bùng phát năm ngoái, loạt diễn viên mới tốt nghiệp từ khóa đào tạo của Hồng Vân phải về quê, một số trụ lại thành phố bằng nghề shipper, bán hàng online...
Dù háo hức, nghệ sĩ canh cánh lo khán giả chưa hoàn toàn khôi phục thị hiếu như trước. Đạo diễn Ngọc Hùng cho rằng Tết năm nay, sức bán vé Tết sẽ chậm hơn so với nhiều năm trước. Đạo diễn nói: "Công chúng sẽ có tâm lý e dè hơn vì dịch bệnh còn phức tạp. Họ có thể sẽ chờ đợi đến sát ngày diễn mới mua vé, thay vì sốt sắng như trước".
Cùng suy nghĩ, "bầu" Huỳnh Anh Tuấn cho rằng việc thu hút khán giả trở lại sân khấu sẽ là thách thức, bởi sau thời gian dài ở nhà, không ít người xem nay quen thưởng thức miễn phí các loại hình giải trí, hoặc trả phí online. Theo ông, gần đây hàng chục web-drama mới được chiếu trên Youtube, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ đang diễn ở các sân khấu. "Tôi lo khán giả sẽ khó bỏ tiền đi xem các gương mặt họ có thể theo dõi qua tivi", ông nói. Ông "bầu" cũng đánh giá việc giữ chân công chúng sau mùa Tết càng khó hơn bởi các đầu kịch bản hay hiện ngày càng hiếm, đòi hỏi nghệ sĩ phải dốc lòng sáng tạo để chinh phục người mộ điệu.
Mai Nhật