Liên hoan khai mạc tối 3/1 tại Nhà hát Trần Hữu Trang (quận 1) với 20 đơn vị tham gia. Họ góp 26 vở diễn thuộc nhiều thể loại: dân gian, lịch sử, thời sự xã hội. Blouse trắng - sân khấu kịch Trịnh Kim Chi - nói về sự hy sinh quên mình của các y, bác sĩ tuyến đầu trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Nhà hát kịch 5B dự thi hai vở: Tình lá diêu bông - nói về tình yêu, sự chân thành, bao dung và Công lý như mặt trời - nêu lên vấn nạn tham ô, trọng tiền tài danh vọng nhưng xem nhẹ tri thức.
Hồng Vân dựng vở Ngôi nhà trên thuyền, lấy bối cảnh cù lao nghèo ở Cần Thơ, xoay quanh một gia đình còn chịu nỗi đau do chất độc da cam... Sân khấu Hoàng Thái Thanh của nghệ sĩ Ái Như dự thi hai vở - Bạch Hải Đường và Sài Gòn có một ngã tư. Sân khấu Thế giới trẻ mang Ngược gió - vở diễn về tình người miền Tây - đến liên hoan.
Trịnh Kim Chi xúc động khi các nghệ sĩ hội ngộ trong liên hoan sau gần một năm sân khấu đóng băng vì dịch. Trước dịch, đơn vị của chị và nhiều sàn diễn khác nóng lòng tham gia sự kiện vì ba năm mới tổ chức một lần, là dịp đồng nghiệp gặp gỡ, nâng cao kỹ năng diễn. Chị từng lên kế hoạch tập dượt, cúng khai trương vở đăng ký thi. Dịch bùng phát, mọi hoạt động chững lại. Sau khi giãn cách nới lỏng, chị hối thúc diễn viên, đẩy nhanh luyện tập để kịp có tác phẩm dự thi. Nghệ sĩ Quốc Thảo - dự thi vở Nắng chiều - kỳ vọng liên hoan không chỉ là dịp các sân khấu tranh tài mà còn giúp vực dậy kịch nói, hướng giới trẻ tìm hiểu và yêu thích loại hình sân khấu này.
Trong đêm khai mạc, các nghệ sĩ tham gia nhiều tiết mục hưởng ứng liên hoan. Thành Lộc và dàn diễn viên trẻ đóng tiểu phẩm Thành phố gì kỳ thuộc thể loại kịch hát, lấy cảm hứng từ ca khúc cùng tên. Anh vào vai một ông cụ đọc báo ở một góc phố, quan sát nhịp sống thường nhật. Một thanh niên (Đình Toàn đóng) đi ngang, livestream những cảnh anh ta cho là thói hư tật xấu để "câu view". Ông cụ ôn tồn khuyên giải, phân tích những điều anh phản ánh không phải sự thật, cần nhìn nhận vấn đề bao dung hơn.
Thầy giáo Thái Dương - tác giả ca khúc - đảm nhận phần hát chính trong tiết mục. Anh viết bài hát hồi tháng 8, sau thành công của nhạc phẩm Sài Gòn tôi sẽ, để truyền cảm hứng lạc quan. "Tên ca khúc xuất phát từ cụm từ cửa miệng 'gì kỳ' của người miền Nam nói chung và TP HCM nói riêng, để thể hiện một nghịch lý đáng yêu ở thành phố tôi đang sống", anh nói.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và sở văn hóa các địa phương tổ chức, diễn ra ba năm một lần. Sự kiện mới nhất chia làm hai đợt, đợt đầu diễn ra diễn ra tại Hải Phòng từ ngày 5 đến 16/11/2021, dành cho các đơn vị miền Bắc. Hồi tháng 9/2021, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đề xuất cho các sân khấu miền Nam thi trực tuyến (do chịu ảnh hưởng dịch bệnh), song nhiều đơn vị từ chối vì khó lòng đảm bảo mạch cảm xúc cho nghệ sĩ, lo chất lượng đường truyền. Sau đó, Cục tổ chức thêm đợt thứ hai dành cho phía Nam. Các đơn vị dự thi tại sân khấu của mình hoặc địa điểm chính - Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (quận 1).
Kỳ liên hoan trước - năm 2018 - diễn ra ở TP HCM, có 22 đơn vị với 27 vở diễn, trong đó có 13 đoàn ngoài công lập.
Tam Kỳ