- Ở tuổi U70, cuộc sống hiện tại của ông thế nào?
- Hiện tôi sống cùng con trai út trong căn chung cư nhỏ ở TP HCM. Tiền hai cha con kiếm được một tháng cũng đủ trang trải cuộc sống an nhàn. Hàng ngày, tôi dậy khoảng 5-6h rồi đi uống cà phê, ăn sáng. Đến 8h, tôi chạy qua phòng tập để chạy bộ, đạp xe hoặc tập chút tạ. Trưa, tôi về nhà đọc báo, nấu cơm, ngủ trưa. Suốt buổi chiều, tôi ngồi ở nhà viết kịch bản hoặc coi thời sự hay dạy dỗ học trò về sân khấu, điện ảnh.
Mọi thứ tôi đều tự làm vì không muốn con cái phải vướng bận vì mình. Tôi cũng chẳng đòi hỏi nhà cao, cửa rộng hay xe hơi đưa đón. Việc ăn uống với tôi chẳng đáng bao nhiêu. Tôi cũng đi quay phim suốt nên ăn uống theo êkíp, mọi chuyện lại càng đơn giản. Tôi nghĩ mình có được ngày hôm nay một phần là nhờ tổ nghề phù hộ cũng như có được tình thương, sự giúp đỡ từ các anh em, đồng nghiệp.
Cậu út nhà tôi năm nay 25 tuổi. Con trai tôi vừa hùn hạp cùng bạn bè để mở một công ty nhỏ liên quan đến quảng cáo. Còn con trai thứ hai của tôi giờ vẫn ở trường cai nghiện nhưng tình hình khả quan hơn trước rồi. Nó đã biết nghĩ và tự lo cho bản thân. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi một khoản tiền nhỏ để con trang trải.
- Mối quan hệ giữa ông và vợ cũ giờ ra sao?
- Sau khi ly hôn, tôi đã cắt đứt liên lạc với vợ cũ. Nhưng với con trai, tôi vẫn khuyến khích thằng bé gặp mẹ. Bởi dù sao, đó cũng là đấng sinh thành. "Việc ba mẹ không gặp nhau là chuyện người lớn. Còn phần của con, con vẫn phải giữ trọn chữ hiếu với mẹ. Đây cũng là bài học cho con sau này", tôi vẫn thường nói với con trai như vậy.
Thực ra đến hiện tại, tôi vẫn còn thương vợ cũ. Bà ấy là người hiền lành, chất phác, chỉ là bị người khác lôi kéo vào vòng xoáy cờ bạc, làm những điều sai lầm. Sở dĩ tôi chọn cách chia tay vì mọi thứ đã đi quá giới hạn. Nhưng tôi cũng sẽ không quay lại. Tính tôi là vậy, điều gì đã qua thì sẽ để nó trôi đi luôn.
Một người bạn có kể cho tôi rằng vợ cũ giờ đã khác trước, không còn ham mê cờ bạc. Bà ấy cũng đã biết lo liệu cho bản thân, tự đi làm, dành dụm cho cuộc sống. Tôi mừng vì điều đó.
- Ông trăn trở điều gì nhất về cuộc sống của các con?
- Tôi sợ sẽ không tích lũy được gì cho con cái sau này. Nghề diễn viên cũng chỉ như xe ôm, có người gọi đi làm thì mới có tiền ăn, không thì chẳng biết trông chờ vào đâu. Tôi cũng không muốn con trai phải khổ sở kiếm từng miếng cơm, manh áo như mình thời thơ ấu.
Với thằng út, tôi sợ nó lấy phải người vợ không đàng hoàng. Nó cũng vài lần dẫn bạn gái về ra mắt tôi rồi nhưng chuyện vẫn chưa đâu vào đâu cả. Con tôi chỉ cần lấy một phụ nữ có đạo hiếu, sống tử tế, có tình nghĩa là hạnh phúc lớn nhất đời rồi. Tôi không muốn con giẫm phải vết xe đổ của mình. Hồi tôi và vợ ly hôn, con trai tôi bị sốc. Làm gì có đứa con nào mà không muốn có cha mẹ đủ đầy ở bên. Ban đầu, thằng bé cũng năn nỉ tôi quay lại với mẹ. Tuy vậy, đến khi tôi phân tích mọi chuyện, con trai hiểu và thông cảm cho tôi.
- Nếu sau này con cái lập gia đình, ông dự tính cuộc sống của mình sẽ thế nào?
- Khi con lấy vợ, tôi sẽ ra mướn một căn phòng trọ đàng hoàng để ở. Đời sống vợ chồng lúc nào cũng cần khoảnh khắc riêng tư, cần được tôn trọng. Tôi không muốn làm vật cản trở hạnh phúc gia đình của con. Mọi người sợ tôi sẽ cô đơn nhưng không có chuyện đó đâu. Tôi vẫn còn những đứa con nuôi, những đứa con tinh thần và học trò, chưa kể hàng xóm láng giềng nữa. Hơn cả, tôi vẫn còn niềm đam mê với sân khấu, điện ảnh. Tôi muốn dành thời gian để viết kịch bản cho lớp trẻ. Còn chỉ khi nào yếu quá, tôi mới chấp nhận về ở cùng con trai. Hoặc cùng lắm, tôi sẽ vào viện dưỡng lão (cười).
- Ông cảm nhận nỗi cô đơn trong cuộc sống của mình ra sao khi ngày một lớn tuổi?
- Cảm giác của tôi khó diễn tả lắm. Từ nhỏ tới lớn, lúc nào tôi cũng ước mơ có một gia đình hạnh phúc nhưng lực bất lòng tâm. Thời nhỏ, bố mẹ tôi cũng không hòa hợp với nhau. Tôi sống với mẹ còn ba ở xa, chỉ biết gửi tiền, quà cho con hàng tháng.
Khi vợ chồng còn ở bên nhau, ngày mẹ tôi mất, tôi đã thấy ngôi nhà trở nên trống vắng. Dù rằng hồi còn sống, mẹ tôi và vợ cũng có đôi chút lục đục, nhưng cái lục đục ấy tạo nên một gia đình. Nó khiến cho tôi cảm nhận được mình đang sống. Đến lúc con cả của tôi mất vì tai nạn giao thông, căn nhà lại thêm trống trải...
Đôi lúc, nhìn những gia đình khác có đầy đủ bố mẹ, con cái, tôi cũng thấy chạnh lòng, tủi thân. Đến khi lấy vợ, cuộc sống của tôi cũng không được viên mãn. Sau bao nhiêu năm cố gắng chịu đựng, chống chọi, tôi cuối cùng vẫn sống lủi thủi một mình. Thực sự, tôi là người sống vì gia đình nhưng tiếc là không giữ được (khóc). Thôi thì đành tự nhủ, con người ta sống không phải chỉ bằng mỗi trái tim, mà còn cần phải lý trí nữa. Cũng chỉ biết trách tôi thương yêu, đùm bọc quá đà nên làm hư vợ con.
* Nghệ sĩ khóc nghẹn khi kể về những mất mát trong cuộc sống
- Mới đây ông tham gia phim "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa". Ông gặp khó khăn gì trên trường quay?
- Tai trái của tôi có bị lãng một chút xíu. Hiện tại, tôi nghe chủ yếu bằng tai phải. Tôi bị thế này được gần một năm rồi. Ngoài lý do tuổi tác, âm thanh ồn ào, hỗn tạp của thành phố cũng ảnh hưởng tới khả năng nghe của tôi phần nào.
Khi ra phim trường, tôi nhờ các bạn diễn nói lớn hơn bình thường để mình dễ theo dõi. Nhưng thực ra khả năng nghe cũng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng diễn của tôi. Trước khi quay, tôi đã phải học thuộc cũng như ôn lại lời thoại nên cứ theo kịch bản mà làm thôi. Có một số người khi bước ra trước máy quay thích nói kiểu chúm chím để khẩu hình được đẹp trên phim. Tuy vậy, tôi cũng có nhắc họ rằng điện ảnh phải thật đời thường. Có như vậy, diễn viên mới truyền tải hết được cảm xúc cho khán giả.
* Trailer 'Có căn nhà nằm nghe nắng mưa'
- Nhân vật trong phim mới khác gì so với các vai diễn trước đây của ông cũng như với chính ông?
- Tôi thường vào vai nông dân thật thà, chất phác hay những người lao động hiền lành ở thành phố. Đó hầu hết là vai người cha lam lũ, luôn cố gắng để con cái lớn khôn. Tuy vậy, trong phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, tôi hóa thân thành Phát - một người đàn ông có phần hẹp hòi, ích kỷ, cố chấp và cái tôi hơi lớn. Khi đứa con nuôi bị giết chết, nhân vật của tôi lúc nào cũng nuôi hận thù, tìm mọi cách để dằn vặt, hành xác người phụ nữ bị nghi là mẹ của tên sát nhân.
Tôi thấy đồng cảm với nhân vật ở nhiều điểm, cả về mặt tốt lẫn mặt xấu. Tôi và nhân vật Phát cũng đều có cái tôi lớn. Thực ra là con người, ai chẳng luôn cho là mình đúng. Trong cuộc sống, nhiều lúc vì cố chấp, tôi vô tình làm tổn thương những người xung quanh. Tuy vậy, cả tôi và ông Phát đều là những người đàn ông biết ân hận và xin lỗi nếu làm điều sai trái. Có điều, tôi nhận ra cũng như sửa chữa lỗi lầm nhanh hơn nhân vật trong phim, chỉ một, hai ngày thôi chứ không đến mấy chục năm trời.
Ví dụ, một buổi chiều, có lẽ vì uống rượu, tôi có nổi nóng và nặng lời khi ngồi khuyên dạy con trai út. Sau một giấc ngủ, sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy có lỗi kinh khủng. Tôi chợt nhận ra những điều mình nói với con đều không đúng. Không ngụy biện với bản thân về những điều đã làm, tôi liền tới nói với con: "Chuyện hôm qua, ba nói sai. Ba xin lỗi con".
* Lê Bình: "Nỗi buồn lớn nhất là ly dị vợ sau 37 năm chung sống"
Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953 trong một gia đình gốc miền Tây. Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn nhiều vở kịch. Ông đã giành được ba huy chương vàng, ba huy chương bạc tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. Hơn 10 vở kịch của Lê Bình được dàn dựng ở các sân khấu IDECAF, 5B, kịch Phú Nhuận... Lê Bình còn được biết đến với vai trò diễn viên trong hơn 60 phim điện ảnh và phim truyền hình, trong đó có các phim nổi tiếng như Mùa len trâu, Đất phương Nam, Vịt kêu đồng, Cô gái xấu xí... |