Ngày nào cũng vậy, nghệ sĩ Kim Xuyến đều đặn chạy xe máy từ Hàng Vải đến nhà "bạn già" Lê Mai trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), cùng uống trà, tâm sự ở quán nước đầu ngõ. Chồng bà - từng là cầu thủ của đội bóng pháo binh, mới qua đời năm ngoái. Các con đi làm cả ngày, Kim Xuyến thích sang tụ tập cùng bạn cho khuây khỏa.
Dịp này, hai bà mừng vì cùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú sau nhiều năm cống hiến. Kim Xuyến từng nhiều lần định làm hồ sơ nhưng Lê Mai gạt đi, bảo: "Kệ, chị không làm. Chị em mình hữu xạ tự nhiên hương, là nghệ sĩ của nhân dân". Năm ngoái, được nghệ sĩ Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - động viên, Kim Xuyến mới xin thủ tục. Còn Lê Mai, con gái Lê Khanh phải giấu bà, nói là hồ sơ huy chương vì sự nghiệp nghệ thuật suốt đời.
Kim Xuyến nói: "Trước đây, chúng tôi không có nhiều hội diễn nên thường thiếu huy chương, nhưng nhiều người xứng đáng được vinh danh từ lâu. Tôi không màng danh hiệu, nhưng được Nhà nước ghi nhận, tôi cảm thấy cuộc đời, sự nghiệp của mình trọn vẹn".
78 tuổi, bà mắc nhiều bệnh như huyết áp, tiểu đường, xương khớp nhưng vẫn đi diễn, đóng quảng cáo, tự chạy xe máy đến những điểm quay trong thành phố. Bà nói những người thuộc thế hệ cổ lai hy như mình chẳng bao giờ biết mặc cả, cầm bao nhiêu tiền cũng vui. Có lần, Kim Xuyến nghe một đạo diễn nói: "Cứ gọi mấy ông bà về hưu ý, quý tiền, trả thế nào cũng được". "Thấy chạnh lòng mà ngẫm lại cũng đúng. Lương hưu sáu triệu một tháng, giờ đi quay một ngày họ trả ba triệu nên vui là phải", bà nói.
Thỉnh thoảng, bà cũng gặp "tai nạn nghề nghiệp". Đóng vai bà mẹ cờ bạc phim Chớp mắt chờ ngày mai, mấy diễn viên quần chúng đánh đấm mạnh để tạo cảm giác chân thật, khiến bà đau ê ẩm cả người. Một hôm khác, nghệ sĩ thức qua đêm cùng đoàn đến 5h sáng, bị xuất huyết mắt. "Đi diễn như xả stress, cứ phăm phăm chẳng mệt mỏi gì, về đến nhà lại mệt", bà nói.
Giống nhiều người ở tuổi xế chiều, Kim Xuyến thích ôn kỷ niệm về một thời nghèo nhưng nhiều niềm vui. 17 tuổi, bà mê cải lương, tự học lời, tập hát. Một lần, khi đang khóc rưng rức khi xem vở Trinh nữ Xuân Hương của Đoàn cải lương Chuông Vàng, bà được nghệ sĩ Hoàng Quân Tạo ra hỏi han. Thấy Kim Xuyến mặt mũi sáng sủa, mắt to, ông hỏi: "Thế có muốn vào đoàn không? Đi ứng tuyển nhé". Ngày thi, Kim Xuyến diễn cùng bốn người đã có kinh nghiệm, nhưng được nghệ sĩ Trần Huyền Trân chọn vì "con bé này tự nhiên".
Vào Đoàn Kịch Hà Nội, bà không đi học chính quy, chỉ xem các nghệ sĩ đi trước như Nguyệt Ánh, Quang Thái, Trịnh Thịnh diễn rồi tham khảo. Sau đó, bà đi sơ tán ở Hưng Yên, học tại chức ba tháng. Những năm đầu ở đoàn, bà chỉ đóng vai quần chúng, nhiều hôm chờ suốt đêm để nói vài câu thoại. Khoảng năm 1968, khi đoàn tập vở Hà Nội mùa đông năm 46, đạo diễn Trần Hoạt quên mang kịch bản. Ông hỏi ai nhớ lời thì lên, chỉ mình Kim Xuyến xung phong. Sau hôm ấy, bà được tham gia vở, có nhiều vai diễn sắc sảo, cá tính.
Kim Xuyến thân Lê Mai từ ngày mới vào đoàn, gắn bó như chị em ruột. Cả hai giống nhau ở tính cách lạc quan, hồn nhiên, luôn cười để vượt lên nghịch cảnh. Thời bao cấp, diễn viên nữ của Nhà hát khó khăn trăm bề, vừa chăm lo chồng con, vừa thực hiện nhiệm vụ cơ quan. Mỗi lần sinh nở, họ mất cơ hội đóng chính, bị thay thế. Khi bầu con trai út ở tháng thứ sáu, Kim Xuyến không khai báo, vẫn lên sân khấu diễn vai Thục vở Thử lửa. Đang diễn cảnh tâm sự với người yêu, một khán giả nói vọng lên: "Cô Thục có bầu". Sinh được vài tháng, Kim Xuyến và Lê Mai mang con theo, người này lên sân khấu, người kia ở cánh gà bế.
"Con em trong đoàn, đứa nào cũng mắc bệnh đường ruột vì ăn uống linh tinh, chỉ có ruột bánh mỳ pha với sữa. Mẹ đi diễn được phát cá hộp, cho con bú tanh ngòm. Có lần, bà Thanh Tú xui tôi lấy nước hoa xịt, chẳng khử được mùi mà còn tanh hơn", Kim Xuyến cười to kể lại kỷ niệm.
Mỗi tháng, diễn viên được phát 2 kg đường, hai hộp sữa bò, một con gà chia cho bốn người. Những ngày có gà, bà và nghệ sĩ Lê Mai, Phạm Bằng, Trịnh Mai bốn gia đình chung nhau ăn.
Kim Xuyến nhớ bà và Trần Hạnh, Phạm Bằng là ba người "nghèo nhất đoàn nhưng có sức khỏe". Có đợt đi diễn ở Hà Đông, nghệ sĩ Trần Hạnh gợi ý không thuê người chuyển bối cảnh nữa, ba anh em nhận làm. "Ông Hạnh khỏe nên cầm càng kéo xe bò phía trước, tôi và ông Phạm Bằng đẩy phía sau, đẩy xe bò chở đồ đạc đi bộ từ Hà Đông về Đống Đa. Một giờ sáng, ông Hạnh mệt quá nằm ra vệ đường. Chia thù lao, ba anh em mỗi người được ăn một đĩa bánh cuốn". Nhiều hôm đi diễn, họ được bồi dưỡng lạc, khoai, sắn. Có lần mất điện, một diễn viên trong đoàn ngồi bệt xuống đất nghỉ rồi đùa: "Chúng mày ơi, không biết cái gì mà êm lắm". Hóa ra người này ngồi trúng thúng bún - thù lao của cả đoàn.
Sau này, khi phim truyền hình phát triển, Kim Xuyến có nhiều cơ hội đóng các vai phụ cá tính, điển hình là cô Tâm đanh đá trong Canh bạc của đạo diễn Lưu Trọng Lư. Về hưu, bà xuất hiện trong nhiều phim hài, tiểu phẩm, một thời gắn bó với series Gặp nhau cuối tuần. Cát-xê được khoảng 500.000 đồng một ngày, nhưng người điều phối, thuê diễn viên thường bớt lại hơn một phần ba. Một lần, đạo diễn Khải Anh, lúc ấy mới ra trường, gửi bà 500.000 đồng. Bà đứng bần thần, nói không có tiền trả lại, Khải Anh đáp: "Không, cháu gửi cô cả mà". "Tôi nhớ như in cảm giác hôm ấy, sung sướng như bắt được tiền", Kim Xuyến nói.
Khi đang có đất diễn với phim truyền hình, năm 2004, Kim Xuyến gặp biến cố vì chồng bà bị tai biến, sau một lần sang Đức thăm con. "Ngày đi anh lành lặn, khi trở về một cánh tay anh buông thõng và chân chống nạng. Tôi là người lạc quan nhưng vẫn không kìm được nước mắt", bà nhớ lại. 17 năm, bà tự làm mọi việc, học cách sử dụng dụng cụ y tế, các phương pháp vật lý trị liệu... để hỗ trợ chồng. Mỗi khi đưa ông ra vườn hoa dạo bộ, bà tự lái xe máy, bởi xe ôm sợ ông ngồi không vững nên chẳng dám nhận.
Ông xã đổ bệnh, bà không dám nhận sô nào ở xa hay diễn vào ban đêm. Nếu phải đi làm, bà dậy sớm, chuẩn bị cơm nước, cho ông ăn uống rồi dặn dò con dâu. Có lần, đi quay ở Ninh Bình, 23h, bà nằng nặc đòi về, đạo diễn phải chở bà ra ngã tư bắt xe khách Bắc Nam.
Ở nhà, bà in nhiều ảnh thời trẻ của hai vợ chồng treo khắp tường. Hàng ngày, bà chỉ lên từng bức, kể chuyện cho ông nghe. Ảnh hưởng của dây thần kinh, nói gì ông cũng cười. Bà nói đó là cách động viên ông, cũng là động viên chính mình.
Có lần, bà đưa vào tiểu phẩm hài kinh nghiệm chăm sóc chồng bị tai biến. "Lúc ấy, nỗi buồn, sự mệt mỏi biến thành tiếng cười trên sân khấu. Người xem thấy tôi diễn cảnh vợ chăm sóc chồng nhẹ như không, nhưng mấy ai biết có những giọt nước mắt đã lặn sâu trong lòng", Kim Xuyến nói. Ông xã qua đời, Kim Xuyến vẫn để tấm ảnh chụp chung với ông thời trẻ trong ví để hoài niệm.
Ngẫm lại cuộc đời, Kim Xuyến nói bà "được nhiều hơn mất": "Nhiều người có sự nghiệp rực rỡ nhưng gia đình không trọn vẹn. Tôi may mắn vì cân bằng được cả hai, vừa giữ được nghề nhưng vẫn hoàn thành trách nhiệm làm mẹ, làm vợ. Ở tuổi gần 80, tôi vẫn được mọi người nhớ đến, có đồng ra đồng vào từ nghề, được khán giả nhận ra, thế là hạnh phúc".
Hà Thu