Tháng 10/2017, Thanh tra Chính phủ bắt đầu việc thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) sau nhiều tranh cãi giữa các nghệ sĩ và ông chủ mới - tổng công ty vận tải thủy Vivaso. Sau hơn nửa năm, kết quả thanh tra vẫn chưa công bố. Ở cuộc họp ngày 14/5, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải quyết sớm vụ việc.
* Quá trình cổ phần hóa nhiều lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam
Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn nói quá trình thanh tra kéo dài gây ảnh hưởng đến tinh thần mọi người. Trong sáu tháng qua, hãng chỉ hoạt động cầm chừng giống năm 2017, không có chiến lược cụ thể. "Ban lãnh đạo có đưa ra một số dự án như phim truyền hình Người yêu ơi, làm phim Youtube nhưng chỉ dừng ở bước chuẩn bị kế hoạch trên giấy, vẽ vời ra nhiều thứ mà không tiến hành. Khi chúng tôi trình dự án của mình lên thì công ty lại trì hoãn", ông nói.
Ban quản trị vẫn thực hiện chấm công bằng vân tay và từ tháng 5, áp dụng thêm quy định nhân viên phải đến đủ 14 ngày mỗi tháng mới được lãnh tiền bảo hiểm. Đạo diễn Thanh Vân, biên kịch Nguyễn Xuân Thành cho biết điều này không phù hợp với việc hoạt động sáng tạo của các nghệ sĩ, có khi phải làm việc ở hiện trường. Họ nhiều lần phản đối nhưng công ty vẫn giữ quy định.
* Ban lãnh đạo và các nghệ sĩ từng đối thoại nhưng không thống nhất ý kiến
Quay phim Vũ Quốc Tuấn bày tỏ: "Về lý thuyết, ban lãnh đạo có quyền đòi hỏi người lao động đi làm đủ thời gian. Tuy nhiên, họ không làm tròn nhiệm vụ của mình là tạo công ăn việc làm cho nghệ sĩ. Ban lãnh đạo đã tiếp quản cả năm mà vẫn không làm được gì bởi họ không có chuyên môn về phim". Một số nghệ sĩ đã ra ngoài làm nhiều tháng qua vì đến hãng cũng không có việc làm và mức lương quá thấp (vài triệu đồng). Trong những tháng qua, các nghệ sĩ cũng phản ánh việc ban lãnh đạo bán đấu giá tài sản, chưa tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên trong năm 2018.
Tập thể nghệ sĩ, trong đó có quay phim Vũ Quốc Tuấn, đạo diễn Thanh Vân, Nguyễn Đức Việt, biên kịch Tống Thị Phương Dung, Nguyễn Xuân Thành..., gửi đơn lên Hội Điện ảnh và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Họ khẳng định tiếp tục đấu tranh và mong sớm có kết quả thanh tra để chấm dứt tình trạng trì trệ. Còn ông Nguyễn Danh Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị - cho biết ban lãnh đạo đã làm đúng luật lao động và hãng phim vẫn làm việc bình thường trong lúc chờ kết quả thanh tra.
Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Trong quá khứ, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười... Tuy nhiên, 20 năm gần đây nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ.
Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Tập thể nghệ sĩ bức xúc vì tình trạng chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới. Một số người cho rằng công ty Vivaso mua lại hãng không phải để làm phim mà nhắm đến các mảnh đất có giá trị cao của đơn vị.
Ân Nguyễn