Trong di chúc Giang Còi để lại cho các con sau khi qua đời, anh bày tỏ tâm nguyện được chôn cùng cây đàn guitar, điếu xì gà và những tràng vỗ tay từ khán giả. Anh hay nói với các con: "Khi chào đời, mỗi chúng ta đều cất tiếng khóc trong nụ cười của những người xung quanh. Hãy sống để đến khi lìa đời, ta có thể mỉm cười trong những giọt nước mắt". Sinh thời, cây đàn guitar gắn bó nghệ sĩ nhiều năm. Anh có thời đi hát, dạy nhạc để kiếm thêm thu nhập. Từ khi mắc ung thư vòm họng, bị mất giọng, anh cất đàn trong góc nhà vì "nhìn thấy chỉ thêm buồn".
Những ngày cuối đời, anh điều trị ở Bệnh viện Phổi Trung ương, được các con cận kề chăm sóc. Con gái thứ ba - Ngọc Anh, 17 tuổi - mang sách vở đến, vừa học online vừa trông nom bố. Cô nhớ ngày bố nhận kết quả sinh thiết cách đây nửa năm. Lúc ấy, nghệ sĩ linh cảm có điều chẳng lành, đuổi con ra ngoài để nói chuyện với bác sĩ. Ngọc Anh nấp sau cửa, biết bố mắc ung thư, rớm nước mắt. "Suốt quá trình điều trị, bố luôn động viên ngược lại em", Ngọc Anh nói.
Lê Hiếu - con trai cả của nghệ sĩ - trở thành trụ cột gia đình. Khi bệnh bố trở nặng, anh nói gia đình bán hết tài sản giá trị để lo liệu. Trong mắt Lê Hiếu, bố anh nghiêm khắc, cực đoan nhưng tình cảm. Nghệ sĩ không để lại nhiều tiền tài nhưng luôn cố gắng dạy con tính tự lập, các kỹ năng sống. Con trai út anh mới 14 tuổi đã học được từ bố cách khoan, hàn, sửa chữa nhiều vật dụng.
Tinh thần lạc quan là điều Giang Còi lan tỏa đến gia đình, bạn bè và khán giả suốt hơn nửa năm chiến đấu ung thư. Chiều Xuân nhớ khi nghệ sĩ mới phát hiện bệnh nan y, chị và vài người bạn cùng lớp đến thăm. Nhìn thấy anh gầy sọp, người cắm đầy dây, mọi người òa khóc còn anh cười ha hả: "Khóc cái gì mà khóc, anh thấy bình thường thôi mà". Nói chuyện với bạn bè, anh không ngại nhắc đến cái chết, hay đùa: "Chết trẻ khỏe ma".
Diễn viên Trà My đồng hành anh từ những ngày đầu chữa bệnh. Nhiều lần, anh không nói được, khua chân múa tay ra hiệu cho chị hoặc lấy giấy ghi. Khi dịch bệnh căng thẳng, chị không gặp được bạn, chỉ biết gọi video hàng ngày để cập nhật tình hình. Giai đoạn cuối, anh không nói ra tiếng, Trà My phải nhìn khẩu hình đoán từ. Một lần, anh viết gửi chị: "Quá chủ quan, nghĩ rằng bệnh nó cho mình hai năm để hoàn tất mọi việc, đâu phải thế. Hai năm đó là vật lộn với sự đau đớn khôn cùng của thể xác, cân nhắc quyết đoán, trả ơn về tinh thần, giờ đây con người tôi căng hơn sợi dây đàn và thần chết luôn rập rình ở cửa". Vài ngày trước, Trà My gọi điện cho con anh hỏi han nhưng không dám nhìn hình ảnh anh tiều tụy, sút 14 kg, phải dùng máy trợ thở.
Trong ký ức bạn bè, đồng nghiệp, Giang Còi hóm hỉnh, hòa đồng, luôn chăm lo mọi người. Anh thi đỗ Đại học Sân khấu Điện ảnh khi đã là diễn viên Đoàn kịch Hải Phòng, hơn các bạn cùng lớp như Chiều Xuân, Tú Oanh, Bùi Thạc Chuyên đến bốn, năm tuổi. Chiều Xuân nhớ thời trẻ, anh thấp bé nhưng thuộc nhóm đẹp trai trong lớp. Tính tình Giang Còi năng nổ, nhiệt huyết, lại nhiều tài lẻ, ca hát, chơi đàn, luôn khuấy động không khí đám đông. Là lớp trưởng, anh quan tâm mọi thành viên, khiến thỉnh thoảng lại bị trêu: "Việc gì anh cũng nhúng mũi vào vậy".
Anh lập gia đình từ khi là sinh viên, làm bố lúc học năm cuối. "Khi cả lớp đi lưu diễn ở miền Nam, vợ trở dạ, anh đợi bà xã sinh xong rồi vội bắt xe đuổi theo các bạn. Xe vào Hà Tĩnh, anh đến kịp. Chúng tôi thấy anh mà rơm rớm nước mắt, như thể được gặp lại người anh cả vắng nhà", Chiều Xuân nói. Con trai đầu lòng được gần một tuổi, anh bế con đi diễn từ Bắc vào Nam. Trên xe khách, mọi người trong lớp thay nhau bế con cho nghệ sĩ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Giang Còi vẫn giữ tính cách nhiệt tình, đối xử với ai cũng thân thiện, thích giúp đỡ thế hệ sau. Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh nói năm 2005, khi anh mới vào Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam, giữ chức trợ lý đạo diễn, may mắn được tiếp xúc, làm việc với Giang Còi. Biết Bùi Thọ Thịnh mới ra trường, Giang Còi hay thủ thỉ chia sẻ nhiều bí quyết làm nghề, những mảng miếng hài cho đàn em. Anh nói: "Muốn trở thành đạo diễn hài phải có tố chất hài hước, biết viết kịch bản như biên kịch thực thụ. Trong quá trình viết, cậu phải nhắm đúng từng vai, 'đo ni đóng giày' từng nhân vật cho các diễn viên".
Mỗi khi được đàn em mời tham gia chương trình, câu đầu tiên Giang Còi luôn nói là: "Chú gửi kịch bản anh xem trước". Bùi Thọ Thịnh nhớ lại: "Anh cẩn trọng nhưng không tạo áp lực cho mọi người, có khả năng khơi dậy sự hứng khởi, đam mê. Không chỉ riêng với tôi, nhiều bạn bè, đồng nghiệp đều nói hào hứng khi làm việc với anh. Với những diễn viên trẻ mới vào nghề, anh vừa là thầy, vừa là bạn".
Kỹ tính trong công việc nhưng anh mộc mạc, xuề xòa trong cuộc sống. Những năm 2000, Giang Còi và diễn viên Chiến Thắng thường chở nhau trên xe máy cà tàng, đi diễn khắp các tỉnh, cát-xê khoảng 100.000 đồng mỗi buổi. Thấy Chiến Thắng không có phương tiện đi lại, Giang Còi bảo lấy chiếc xe máy cào cào của anh dùng. Chiến Thắng ngại không nhận nhưng cảm kích đến giờ.
Nghệ sĩ hay mời bạn bè đến nhà vườn của anh ở Mê Linh, Hà Nội. Anh không uống rượu nhiều, chỉ nhâm nhi rồi ca hát, hàn huyên. Anh mất, ca sĩ Minh Quân ngậm ngùi nhớ kỷ niệm cách đây mười mấy năm, khi hiếm ai có xe riêng, anh thường cùng ngồi xe khách với nghệ sĩ Giang Còi và mấy chục anh chị em khác đi diễn tỉnh. Giang Còi thường tấu hài, hát hò suốt chặng đường xa.
Thời ấy, cặp Giang Còi - Quang Tèo rất được yêu mến nhờ hiệu ứng từ chương trình Gặp nhau cuối tuần. "Cứ khoảng 17h, khi bà con đi làm về, chúng tôi bắt đầu bán vé. Anh Giang Còi hay nhận nhiệm vụ ngồi trên xe vẫy chào khán giả. Người hâm mộ xúm lại rất đông, gặp ai anh cũng tay bắt mặt mừng. Ở đâu có anh Giang Còi, ở đó có niềm vui", ca sĩ Minh Quân nói.
Hà Thu