Anh qua đời tối 4/8, sau nửa năm chống chọi bệnh ung thư. Nghệ sĩ Trà My - bạn thân, đồng hành nghệ sĩ trong quá trình chữa bệnh - nói những ngày cuối đời anh, chị không dám gọi video hỏi han vì sợ thấy hình ảnh anh tiều tụy, người cắm dây truyền, thở bằng máy.
Anh phát hiện ung thư vòm họng hồi tháng 2, khi bệnh đã ở giai đoạn ba. Lúc ấy, anh từ chối phác đồ hóa chất vì tốn kém, lại sợ xấu xí. Anh đùa với các con: "Bố truyền hóa chất xấu lắm, mặt hốc hác, tóc rụng, xuống hoàng tuyền Diêm Vương hỏi ai, xấu thế mà xưng là nghệ sĩ thì ngại lắm". Nghe bác sĩ thông báo còn gắng gượng được hai năm, anh lạc quan sắp xếp công việc, cuộc sống cho bản thân và các con. Anh nói: "Nghe án tử, tôi cũng sợ như bao người khác nhưng cố gắng cười nhiều hơn để khuây khỏa nỗi buồn".
Bị mất giọng, cuối đời của nghệ sĩ gắn liền chiếc còi để giao tiếp với các con. Vốn là người hoạt ngôn, anh bứt rứt khi không thể ăn to nói lớn như ngày thường. Trước kia, anh mê đàn guitar, hát bolero, từ ngày mất giọng, nghệ sĩ cất đàn trong một góc nhà. "Mỗi lần nhìn thấy đàn lại thêm buồn", anh nói hồi tháng 4.
Tâm niệm "sống dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng là sống như thế nào", nghệ sĩ tự tìm niềm vui khi trọng bệnh. Con trai cả là đạo diễn, giúp anh ghi hình những khoảnh khắc thường ngày như trồng rau, bón cây, nuôi ong lấy mật lên Facebook Vườn của ba. Biết anh dưỡng bệnh ở nhà, nhiều đạo diễn, diễn viên, sinh viên trường nghệ thuật sang chơi, hàn huyên với anh chuyện phim ảnh. Thỉnh thoảng, nghệ sĩ nhớ nghề nên tự lái xe đến các đoàn phim, ăn cơm hộp cùng bạn bè, ôn kỷ niệm xưa.
Giang Còi kém may mắn đường tình, anh trải qua hai cuộc hôn nhân không trọn vẹn, "gà trống nuôi con" nhiều năm. Anh từng thừa nhận: "Khi gia đình đổ vỡ, những đứa trẻ không được ở bên cả cha lẫn mẹ, đàn ông là người có lỗi". Anh tự nuôi nấng bốn con - hiện hai con cả với người vợ đầu đã có gia đình riêng, con gái thứ ba 17 tuổi còn cậu út mới 14. Đạo diễn Hiếu Vick - con cả của anh - nói trong gia đình, bố nghiêm khắc, cực đoan nhưng luôn quan tâm các con theo cách riêng. Anh và bố giữ thói quen ra quán bia để trò chuyện, cập nhật về cuộc sống và công việc của nhau. Các con thứ quấn quýt bố. Mỗi khi anh đi làm xa, hai cháu nhỏ thường gọi điện, mếu máo hỏi khi nào bố về. Ở nhà, các con hay bóp chân, bóp tay, đòi ngủ cùng bố. Thỉnh thoảng, lũ trẻ giục anh lấy vợ để có người chăm sóc nhưng nghệ sĩ lấn cấn sau hai lần "đắm đò".
Trước khi mất, Giang Còi nói không còn gì tiếc nuối khi được cống hiến cho khán giả gần 40 năm. Anh sinh năm 1962 ở Hải Phòng, trong gia đình làm nghề buôn bán. Khi thi đỗ vào Đại học Sân khấu Điện ảnh, anh đã 23 tuổi, hơn các bạn cùng lớp như Chiều Xuân, Bùi Thạc Chuyên, Tú Oanh đến năm, sáu tuổi. Anh được bầu làm lớp trưởng, là "đầu tàu" gương mẫu trong nhiều hoạt động.
Hồi năm nhất, mẹ không ủng hộ nên thường đến trường yêu cầu ban giám hiệu không cho anh lên lớp. Một hôm, bà đi đến chân cầu thang, gặp thầy Xuân Huyền - chủ nhiệm lớp. Thầy thuyết phục, khiến bà không còn đến trường gây rắc rối. "Hồi ấy, chẳng ai tin thằng Giang Còi vóc người nhỏ bé, xấu trai có thể trở thành diễn viên. Thế nhưng thầy Xuân Huyền luôn khẳng định tôi đầy đủ tố chất của một nghệ sĩ và truyền cho tôi niềm tin ấy", Giang Còi từng kể. Thời sinh viên, anh cùng thầy giáo, các bạn trong lớp đi diễn khắp các tỉnh. Năm cuối đại học, trong chuyến lưu diễn ở Tây Nguyên, thầy Xuân Huyền ngồi ngắm nghía anh hồi lâu rồi đi mua kéo thủ công về tỉa râu cho học trò, tạo nên bộ ria mép thương hiệu gắn với anh.
Những năm 1990, khi thù lao phim ảnh còn thấp, nghệ sĩ từng bỏ nghề đi buôn để lo cho gia đình. Một dạo, anh đi còn dạy nhạc cho trẻ, sửa xe máy, lái xe thuê để kiếm thêm thu nhập. Những lúc nhớ việc, anh vẫn lân la đến đoàn phim chơi, rồi lại được bạn bè rủ quay lại làm nghệ thuật. Giang Còi nói phim ảnh là cái nghiệp đời anh, muốn bỏ cũng không bỏ được. Suốt mấy chục năm, anh thường thức dậy lúc bốn, năm giờ sáng, lái xe đến đoàn phim, đến khuya mới kết thúc công việc.
Nghệ sĩ gắn với những vai diễn chân chất trên phim ảnh và các vở hài. Anh cùng cố nghệ sĩ Phạm Bằng, Văn Hiệp, Quang Tèo tạo nên hàng loạt tiểu phẩm chủ đề làng quê trong chương trình Gặp nhau cuối tuần. Hình ảnh Giang Còi quần ống thấp ống cao, tay cầm gậy chăn vịt, người lấm lem bùn đất khắc sâu trong ký ức nhiều thế hệ khán giả. Anh diễn dung dị, tự nhiên, kết hợp ăn ý với Quang Tèo, tạo thành "cặp bài trùng" trên nhiều sân khấu. Trong các tiểu phẩm hài, những màn tranh cãi, chơi xỏ nhau của cặp Giang Còi - Quang Tèo tạo tiếng cười cho khán giả. Mỗi dịp Tết, các video hài của cặp diễn viên là "món ăn tinh thần" trong nhiều gia đình.
Ngoài diễn xuất, anh từng đi học đạo diễn, viết kịch bản phim. Năm 2019, anh thực hiện series sitcom Quỷ sứ học đường, dài 500 tập, với mong muốn giáo dục trẻ vị thành niên một cách nhẹ nhàng, thấm thía. Trước khi mất, anh được bạn bè gợi ý, ấp ủ viết kịch bản cho mình đóng chính, về một ông bảo vệ chung cư không nói được, chứng kiến đủ mọi bi hài trong khu nhà dưới góc nhìn hài hước.
Trên trang cá nhân trước khi qua đời bốn ngày, anh chia sẻ hình ảnh đàn bồ câu nhà nuôi, băn khoăn bao giờ hết dịch. Con trai anh, đạo diễn Hiếu Vick, nói bố hay nhắc nhở: "Khi chào đời, mỗi chúng ta đều cất tiếng khóc trong nụ cười của những người xung quanh. Hãy sống để đến khi lìa đời, ta có thể mỉm cười trong những giọt nước mắt". Nghệ sĩ mất, con trai cả nhẹ lòng phần nào bởi "bố đã sống một cuộc đời trọn vẹn và không còn đau đớn nữa". Nghệ sĩ Trà My gửi lời chào tạm biệt: "Hãy cười thật tươi và ra đi thanh thản anh nhé! Ở nơi ấy, anh sẽ làm nốt những dự định còn dang dở, những điều mong ước".
Vì dịch bệnh, gia đình phát tang vào 7h30 phút ngày 5/8, không tiếp khách, nhận phúng điếu. Thi hài được đưa tới Đài hóa thân Hoàn vũ cùng ngày, lễ truy điệu và tiễn nghệ sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng sẽ được tổ chức sau.
Hà Thu