Ngày 2 và 3/8, Klieser chơi bản Concerto số 4 cho kèn của Mozart tại buổi vũ hội ở Royal Albert Hall, London (Anh). Dù phải xử lý nhiều yếu tố như màu sắc của âm thanh, các nốt cao hay ngữ điệu, Klieser khẳng định chơi kèn bằng chân không khó.
"Bàn chân có lẽ là thứ duy nhất tôi không phải luyện tập. Nó đã thuần thục ngay từ đầu. Khi xem lại mình chơi, tôi cũng nghĩ: 'Chà chà!'. Nhưng với tôi, nó giống như ngồi trên ghế sofa và thưởng thức một bộ phim, khá thoải mái", anh nói với tờ Guardian.
Felix Klieser chơi bản Concerto số 4 cho kèn của Mozart năm 2019. Video: Berlin Classics
32 tuổi, Felix Klieser đoạt nhiều thành tích: Giải thưởng Leonard Bernstein năm 2016, phát hành một số album nổi tiếng như Reveries năm 2013, biểu diễn các bản hòa tấu kèn của Mozart năm 2019, hai năm góp mặt trong Dàn nhạc Giao hưởng Bournemouth.
Klieser sinh ra và lớn lên ở Göttingen, thành phố nhỏ ở miền Trung nước Đức chỉ có một trường âm nhạc. Khi lên bốn, anh quyết định học chơi kèn đồng - loại kèn của Pháp được phát minh khoảng năm 1650. Anh nói với BBC: "Gia đình tôi không có ai theo nhạc kịch. Cả nhà chưa bao giờ đi xem hòa nhạc với nhau. Cha mẹ tôi thậm chí còn không biết kèn trông như thế nào".
Nhận thấy kèn là nhạc cụ rất nặng, đòi hỏi dung tích phổi lớn và đôi môi khỏe, một giáo viên đã gợi ý cho Klieser một số nhạc cụ như đàn piano, trống, nhưng anh vẫn quyết tâm chọn nhạc cụ này.
"Tôi là một người yêu thích các thử thách. Tôi đã học được từ khi còn rất nhỏ rằng những trở ngại có thể rất thú vị", anh nói trên Guardian. Klieser cho rằng tình trạng khuyết tật giúp anh đạt được nhiều thành tựu như hiện tại. "Khi gặp một vấn đề phát sinh, hầu hết mọi người bỏ cuộc. Nhưng hãy tin là mình có thể giải quyết mọi vấn đề. Tôi tin lối suy nghĩ này quan trọng hơn tài năng hay việc bạn luyện tập", anh nói.

Felix Klieser sinh năm 1991, là nghệ sĩ Đức chơi kèn Pháp chuyên nghiệp. Anh sinh ra không có tay, chơi bằng cách sử dụng các ngón chân trái để vận hành các van. Kèn được giữ trên giá ba chân. Ảnh: Instagram Felix Klieser
Theo Guardian, thi trượt vào Dàn nhạc Trẻ Quốc gia Đức năm 14 tuổi trở thành động lực giúp anh tập luyện nhiều hơn. Sau hơn một năm, Klieser trúng tuyển vào dàn nhạc, học tập tại Đại học Âm nhạc, Kịch nghệ và Truyền thông Hanover và tiếp cận mọi thứ một cách cởi mở.
Anh thích chơi những bản hòa tấu nổi tiếng của Mozart, Strauss, Joseph Haydn và luôn háo hức khám phá những cách thức mới. Năm 2021, anh phát hành album Beyond Words, thu âm các bản nhạc baroque. Anh cho biết thay thế các bản vốn dành cho giọng hát bằng kèn là điều "chưa ai từng thử trước đây".
Thách thức lớn nhất với Klieser không phải vấn đề thể chất, mà là làm cho kèn Pháp thực sự phát ra âm thanh giống như kèn Pháp. Chiếc kèn gồm một ống đồng dài 3,6 m, cuộn tròn giống một chiếc chuông. Người chơi đặt tay phải vào chuông để tạo ra âm thanh. Không có tay, Klieser phải tự nghĩ ra cách chơi riêng.
"Phải thử và sai nhiều lần mới tìm thấy cách đúng. Bạn phải kiểm soát hơi thở theo một cách khác và quan tâm đến vị trí của môi, lưỡi. Đây có lẽ là điều khó khăn nhất và tôi đã phải luyện tập rất nhiều", anh nói với BBC.
Tính thử nghiệm ăn sâu vào con người Klieser. Thời thơ ấu, Klieser đã được nghe, học và truyền cảm hứng phần lớn từ nhạc phim Forrest Gump, Star Wars, Jurassic Park trước khi xem các tác phẩm này. "Bằng cách này, bạn tìm hiểu thêm về bản thân, biết thêm về những gì bạn có thể làm với nhạc cụ của mình. Nó giống như nếu bạn chỉ ăn mì ống với nước sốt cà chua và chưa bao giờ thử với sốt pesto trong đời. Hãy thử một điều gì đó mới mẻ!", anh nói.

Chiếc kèn - người bạn thân của Felix Klieser - được anh trang trí vào những dịp đặc biệt. Ảnh: Instagram Felix Klieser
Klieser coi chiếc kèn như người bạn của mình. Trong thời dịch, khi tất cả buổi hòa nhạc bị hủy bỏ, Klieser giải khuây bằng cách dán sticker hình con mắt lên kèn và đặt tên Alex. Anh còn khoác quần áo cho nhạc cụ vào Giáng sinh, ghi lại những khoảnh khắc ngộ nghĩnh.
Trên Instagram, khi thấy cách Klieser tận hưởng cuộc sống, nhiều người bày tỏ ngạc nhiên, thậm chí nói "Bạn có vấn đề", "Lẽ ra bạn phải buồn vì cuộc sống khó khăn". Klieser đáp lại: "Không, tôi tự làm mọi thứ, tôi có một công việc tốt, tôi thực sự hạnh phúc. Cuộc sống của tôi tươi đẹp".
Klieser không coi mình là hình mẫu cho người khuyết tật. Anh thậm chí không chắc rằng liệu chơi một bản nhạc cổ điển bằng chân có được xem là một điều đặc biệt. Khi nhà báo âm nhạc người Anh - Tim Jonze - khẳng định "Để trở thành một nghệ sĩ nhạc cổ điển không hề dễ. Không có tay cũng là trường hợp hiếm gặp. Và một nghệ sĩ nhạc cổ điển không tay là chuyện rất hiếm", Klieser dừng lại một giây rồi vung chân, lấy điện thoại khỏi túi xách và gõ dòng chữ: "Vẫn có xác suất".
Sao Mai (theo BBC, Guardian)