- Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa đổi địa điểm biểu diễn cách đây vài tháng. Việc này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của chị?
- Từ khi chuyển sang địa điểm mới, lượng khán giả đến với Hoàng Thái Thanh giảm đi khá nhiều. Dù thông tin được truyền thông đăng tải, khán giả thường đọc qua hoặc không chú tâm vào chi tiết đó. Nhiều người theo thói quen, vẫn đến sân khấu cũ rồi giật mình tự hỏi: "Chỗ này đóng cửa rồi sao, không biết họ chuyển qua địa điểm nào?”
Bù lại, Ban giám đốc Nhà thiếu nhi Quận 10, TP HCM tạo điều kiện hết mức cho chúng tôi làm nghệ thuật. Đây là sự động viên lớn đối với anh chị em nghệ sĩ. Trước mắt, chúng tôi sẽ biểu diễn ở đây trong hai năm, mọi chuyện tiếp theo ra sao, chúng tôi chưa hình dung đến.
- Trong khi sân khấu phải chật vật cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí, điều gì khiến chị vẫn dựng những vở diễn được giới chuyên môn đánh giá là khá kén khán giả?
- Bởi vì tôi yêu sân khấu. Tôi luôn muốn theo đuổi và phát triển những gì tôi được học trên ghế nhà trường cách đây 30 năm. Với tôi, nghệ thuật đẹp và thiêng liêng lắm. Đã là cái đẹp thì phải tử tế, không thể buông tuồng, dễ dãi.
Có thể nhiều người cho tôi là lãng mạn hay lý tưởng. Trong nghệ thuật, tôi luôn có nguyên tắc riêng. Tôi quan niệm, nghệ thuật phải định hướng người thưởng thức tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Nếu chạy theo thị hiếu của công chúng, thì bạn không làm công việc sáng tạo nữa mà đang gia công một sản phẩm nào đó.
Dĩ nhiên, tôi luôn tìm hiểu nhu cầu của khán giả. Nhưng tìm hiểu để hướng khán giả tới những giá trị nghệ thuật của vở diễn. Phương châm của tôi là luôn cố gắng dung hòa thị hiếu với mục đích chuyển tải nghệ thuật của tác phẩm.
- Chị làm thế nào để tạo tính hấp dẫn trong những vở kịch tâm lý mà sân khấu Hoàng Thái Thanh theo đuổi thời gian qua?
- Một vở diễn hay trước hết được xác định bởi chính những người tạo ra nó. Tôi cho rằng, một vở kịch hấp dẫn, ngoài việc khiến cho khán giả khóc, cười cùng nhân vật trên sân khấu, còn đọng lại trong họ những suy tư, trăn trở. Vở kịch sẽ thành công ở mức độ nào đó nếu nó tác động lên suy nghĩ, hành động của khán giả, khiến họ thay đổi một quan niệm hay tư duy cố hữu trong cuộc sống.
Để hướng tới điều đó, trước hết chúng tôi phải chọn lọc nội dung. Sân khấu Hoàng Thái Thanh luôn đan cài các yếu tố, bi, hài, chính kịch trong những vở kịch tâm lý.
Ngoài nội dung, chúng tôi cố gắng tạo một không gian nghệ thuật cho khán giả. Tôi cho rằng việc thưởng thức nghệ thuật không thể diễn ra trong một không gian xô bồ. Khi khán giả bước vào khán phòng, đèn bên dưới tắt ra sao, hương hoa thoang thoảng thế nào… đều nằm trong tính toán của chúng tôi.
- Chị còn được cho là mạo hiểm khi thường xuyên đưa những gương mặt trẻ và mới lên sân khấu. Chị nói sao về điều này?
- Tôi biết, việc đưa những gương mặt mới lên sân khấu là một thách thức với chúng tôi trong bài toán kinh tế. Khi chọn mua vé một vở diễn nào đó, số đông khán giả có thói quen xem thần tượng hoặc diễn viên mình yêu thích sau đó mới lưu ý đến nội dung vở kịch. Thế hệ chúng tôi đã lớn tuổi, không còn thích hợp với những vai trẻ. Tôi có học trò, các em luôn diễn bằng cả sự đam mê. Tuy nhiên, kinh nghiệm và sự từng trải của người trẻ thường không đủ để các em thấu suốt nhân vật mà và mang hiểu biết đó lên sân khấu.
Vì vậy, chúng tôi đưa những gương mặt mới theo dạng kèm vai. Có thể các em đóng vai chính, chúng tôi vai phụ, miễn sao không để rơi vào tình trạng “thứ chính, phụ trội”. Cứ chen dần như vậy, qua 5 năm, các em cũng quen dần với khán giả. Dĩ nhiên, nếu cần phải đưa nhiều gương mặt trẻ vào một vở diễn, chúng tôi phải có cách dẫn giải để khán giả chấp nhận.
- Với cách làm như vậy, chị tính toán tài chính thế nào để có thể duy trì đam mê với nghề?
- Chúng tôi cũng cần tiền lắm chứ, nhưng nếu chỉ nghĩ đến sự lời, lỗ, hẳn sân khấu không thể trụ nổi suốt 5 năm qua. Các vở diễn của chúng tôi may lắm thì hòa vốn, còn lại phải bù lỗ. Chúng tôi cứ giả vờ quên đi, không nghĩ đến những đồng vốn đã bỏ ra. Tiền bán vé lại dùng để đầu tư vở mới. Nghĩ như vậy, chúng tôi thấy nhẹ nhõm hơn, có hứng thú hơn để làm nghề.
- Chị nghĩ sao về chuyện kêu gọi đầu tư vào sân khấu của mình?
- Tôi có nghĩ đến và đã gửi thông tin, hình ảnh đến các đơn vị quan tâm đến nghệ thuật sân khấu. Gửi đi vậy thôi nhưng thâm tâm tôi biết, khả năng phản hồi rất ít. Bởi sân khấu không phải hình thức sinh lời nhanh chóng để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Nếu có ai đề nghị đầu tư, chúng tôi rất sẵn lòng nhưng cho phép tôi có quyền được giữ nguyên quan điểm nghệ thuật mà sân khấu Hoàng Thái Thanh theo đuổi bấy lâu.
Nghệ sĩ Ái Như tên thật là Hồ Thị Ái Như, sinh năm 1960 tại Huế. Khởi nghiệp với vai trò diễn viên của sân khấu kịch Idecaf và 5B Võ Văn Tần, đến nay, Ái Như đã diễn hàng trăm vai, viết hơn 20 kịch bản, đạo diễn gần 40 vở kịch. Ái Như kết hợp với nghệ sĩ Thành Hội dựng nhiều vở kịch tâm lý xã hội gây được tiếng vang của sân khấu Hoàng Thái Thanh như Nửa đời ngơ ngác, Sông dài, Người điên trong ngôi nhà cổ, Màu của tình yêu, Đêm thiên nga... Với những đóng góp cho nghệ thuật sân khấu, Ái Như đã nhận được giải Mai Vàng năm 2006 và giải Cù nèo vàng năm 2011 cho hạng mục đạo diễn. |
Châu Mỹ thực hiện