Trong ngày hội Tóc xanh - Vạt áo tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nghệ nhân nói về kỹ thuật đan mũ Xuân Thu với hàng trăm bạn trẻ. Ông Lộc cho biết mũ này dành cho quan võ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trang sức trên mũ được làm từ bạc và châu báu.
Năm 2010, có gia đình ở Huế tìm được trong vườn hũ trang sức. Biết ông Lộc mê phục chế đồ cổ, họ trao lại cho ông. Suốt 5 năm, nghệ nhân tìm tòi hình ảnh tư liệu, mới biết được các vật này vốn để trang trí trên mũ Xuân Thu. Ông tỉ mẩn sửa chữa, bẻ uốn từng chi tiết vàng bạc cho đúng nếp hoa người xưa thể hiện, dùng hóa chất tẩy rửa rồi tráng lớp keo bảo vệ.
Ở mặt trước mũ Xuân Thu, hoa văn của trang sức có tên là "Giao long chầu hoa cúc". Theo ông Lộc, thời xưa, mọi người không gọi long là rồng vì rồng phải có năm móng, chỉ dành cho vua chúa. Còn long trên mũ Xuân Thu chỉ có bốn móng. Nghệ nhân nói: "Về hoa cúc, theo Từ điển biểu tượng Văn hóa thế giới (Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, ấn hành năm 1969) - đây là biểu tượng của mặt trời, với những ý niệm về sự trường thọ, viên mãn, bất tử...". Bên cạnh đó, mũ này nhiều trang sức hơn, hoa cúc hình bầu dục khác với mũ ở triều Nguyễn - hoa cúc hình gần tròn.
Mũ được đan từ lông đuôi ngựa vì chất liệu bền và mát. Trước khi làm, nghệ nhân tạo mô hình khung mũ bằng mút xốp, đính thử trang sức lên rồi mới xác định kích thước. Sau đó, ông Lộc nhờ thợ mộc làm khối gỗ y hệt mô hình để thuận tiện cho quá trình thực hiện. Lông đuôi ngựa phải được giặt giũ, phơi khô và phân loại dài ngắn. Sau quá trình kỳ công kết lông vào khung, nghệ nhân dùng kim chỉ thêu trang sức vào. Việc trang trí bắt đầu từ bước tạo một trục trung tâm đến đính giao long sao cho hai bên đối xứng. Ngoài ra, ông Lộc còn pha sơn cánh kiến quét lên để các đường nét, hoa văn trên mũ không bị mất đi.
Ngoài mũ Xuân Thu, ông Vũ Kim Lộc còn nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu qua tranh, tượng cổ ở bảo tàng, lăng tẩm, miếu thờ để có cơ sở trước khi phục chế các mũ thời Nguyễn. Ông cho biết: "Hơn 10 năm trước, tôi ra Huế và được tận mắt nhìn thấy hai chiếc mũ Văn Công - Phốc Tròn thời vua Tự Đức, chúng mất hết trang sức vàng. Từ đó, tôi mày mò, khám phá cách làm mũ của người xưa để bồi thêm kiến thức cho bản thân, cũng như góp phần giữ lại một nét trong lịch sử phục trang".
Nghệ nhân vốn là thợ kim hoàn, yêu văn hóa, lịch sử và hứng thú với đồ cổ nên bén duyên công việc phục chế. Năm 2007, ông đan chiếc mũ đầu tiên - mũ vua Chămpa từ lời gợi ý của một người bạn. Đến nay, ông đã thực hiện được tám chiếc mũ - bảy chiếc theo đề nghị từ các đơn vị như bảo tàng, nhà sưu tập và một chiếc (mũ Xuân Thu) tự ông mày mò. Nghệ nhân cho biết số tiền từ công việc này không đáng kể, chỉ làm để thỏa niềm đam mê với trang phục truyền thống. Bên cạnh đó, ông Lộc từng hợp tác với một công ty về cổ phục Việt để làm mũ cho phục trang trong phim Phượng Khấu.
Ông Vũ Kim Lộc đang viết cuốn sách Mũ miện triều Nguyễn với nội dung về công việc nghiên cứu, phục chế và giới thiệu các loại mũ miện, kỹ thuật làm mũ bằng lông đuôi ngựa... Ông Lộc nói: "Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm để bất cứ ai có đam mê, yêu thích cũng có thể học làm một chiếc mũ kiểu cổ. Một bộ trang phục cổ không chỉ có quần áo, hia (hài) mà còn phải có mũ - vật để đội trên đầu. Tôi hy vọng những giá trị về lịch sử, văn hóa ngày xưa đến gần với người trẻ hơn".
Ngọc Yến