7h, trong trang phục áo dài đen, khăn đóng, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ trì dâng hương lên mộ phần chúa Nguyễn Phúc Khoát ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà.
Sau lễ dâng hương, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc chủ trì lễ húy kỵ ngay tại lăng Trường Thái, nơi an giấc nghìn thu của võ vương Nguyễn Phúc Khoát.
Sau khi thắp hương ở lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát, 300 người trong trang phục áo dài, khăn đóng đã diễu hành qua Đại nội Huế, đường 23/8, đường Đoàn Thị Điểm để vào Triệu Tổ miếu trong Hoàng thành Huế dâng hương.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng áo dài từ lâu trở thành trang phục truyền thống, là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã có công trong việc cải cách trang phục Đàng Trong, góp phần khai sáng áo dài. Sau đó vua Minh Mạng có công trong việc nâng tầm, tôn vinh áo dài trở thành quốc phục.
Theo ông Hải, lễ tri ân là một phần trong đề án Ngày hội Áo dài Huế, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, cũng là cơ sở tiến tới xây dựng đề án "Huế - Kinh đô áo dài". Là cái nôi của áo dài Việt Nam, Huế còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của áo dài Việt Nam.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), là chúa Nguyễn thứ tám trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, nhiều cải cách được ban hành như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện.
Bộ máy hành chính chia làm 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Võ Thạnh