"Từ hàng thế kỷ nay người ta đã biết âm nhạc tác động đến con người. Thời cổ đại, âm nhạc được dùng để cải thiện thành tích cho vận động viên Olympic", giáo sư Hans-Joachim Trappe từ Đại học Ruhr (Đức) cho biết. Theo Telegraph, ông cùng đồng nghiệp đã chơi bản giao hưởng số 40 cung Sol thứ của Mozart, nhạc khiêu vũ của Johann Strauss cùng các bài hát của nhóm ABBA cho 60 tình nguyện viên rồi theo dõi sự thay đổi huyết áp của họ.
Kết quả, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhạc Mozart giảm huyết áp tâm thu hiệu quả nhất với 4.7 mm Hg, nhạc Strauss giảm được 3.7 mm Hg trong khi nhóm nhạc pop đến từ Thụy Điển không mang lại khác biệt nào đáng kể. Huyết áp tâm trương của các tình nguyện viên cũng hạ bớt 2,1 mm Hg sau khi nghe Mozart và 2,9 mm Hg sau khi nghe Strauss.
Các công trình trước đây từng chỉ ra các hoạt động thể chất như đạp xe, đi bộ nhanh có tác dụng giảm huyết áp. Bên cạnh đó, hạn chế 6 gr muối mỗi ngày hạ 4-7mm Hg huyết áp tâm thu.
"Trong nghiên cứu của chúng tôi, nghe nhạc cổ điển làm giảm huyết áp và nhịp tim, đặc biệt rõ ràng đối với nhạc Mozart và Strauss", Hans-Joachim Trappe nhận xét. "Sáng tác của ABBA không thay đổi hoặc thay đổi rất ít huyết áp và nhịp tim. Điều này nhiều khả năng do yếu tố cảm xúc, nhưng ngôn từ bài hát cũng có thể đóng vai trò tiêu cực".
Các nhà khoa học kết luận để cải thiện sức khỏe, loại âm nhạc bạn nghe phải được hòa âm khéo léo, nhịp điệu và mức âm thanh phù hợp, không dồn dập, không lời và đạt độ nổi tiếng nhất định.
Nghiên cứu được đăng tải trên tờ Deutsches Arzteblatt International.
Minh Nguyên