“Công việc của bọn mình không phải thường xuyên, có khách thì công ty mới gọi đi làm", Huy, sinh viên Đại học Kinh tế, một người đang hành nghề mới lạ này tâm sự.
Nhiệm vụ của những chàng trai như Huy không quá nặng nề, chỉ là mở cửa xe, xách đồ khi khách mua sắm và thậm chí đi uống cà phê với khách. Huy cho biết, những khách hàng giàu có nhưng cô đơn đôi khi bỏ ra 700.000-800.000 đồng một ngày chỉ để có người nói chuyện cho đỡ buồn.
Đi chơi với khách chỉ là một trong vô số nghề lạ của giới sinh viên hiện nay. Một ngày làm thêm của Thu Hương (sinh viên năm thứ ba, Đại học Thương mại, Hà Nội) bắt đầu lúc 4 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ đêm. Hương là người giới thiệu cho một hãng rượu trong nhà hàng karaoke trên đường Đê La Thành (Hà Nội).
Công việc của Hương là trang điểm thật đẹp, đợi khách gọi rượu, giới thiệu và rót rượu phục vụ khách. Tuyệt đối phải nhẹ nhàng và khéo léo. Nụ cười luôn thường trực trên môi.
“Với gần 3 triệu đồng/tháng, cường độ làm việc cũng không vất vả, chỉ hơi đặc thù về thời gian và môi trường. Tính mình khá ngang ngạnh nhưng vào đây làm chữ nhẫn phải đặt lên đầu. Đây là điều rất cần cho nghề du lịch của mình sau này” - Hương nói.
![]() |
Chỉ đứng chào khách cũng đòi hỏi có trình độ Đại học, giỏi tiếng Anh. Ảnh: Tiền Phong. |
Ở Hà Nội, không ít nữ sinh có ngoại hình khá trở lên cũng làm thêm các nghề như giới thiệu rượu, đứng quầy bar, bưng bê rót rượu hoặc là chỉ đứng ở cửa cười khi khách đến và về. Đó đều là những nhà hàng sang trọng, có đẳng cấp và tiêu chuẩn cũng rất gắt gao. Để được vào đây làm, các ứng viên phải cao 1m60 trở lên, ngoại hình cân đối, đang học đại học hoặc đã tốt nghiệp, nói tiếng Anh thông thạo.
Kiều Oanh, từng nhiều năm là nhân viên bán hàng hóa mỹ phẩm tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM) vừa quệt những giọt mồ hôi vừa tâm sự: “Công việc của tụi em là tư vấn, giới thiệu cho khách về sản phẩm, nói suốt ngày. Nhưng như thế không cực bằng việc gặp những vị khách khó tính, cứ xem hết sản phẩm này đến sản phẩm khác, lật tới lật lui rồi bỏ đi, khiến nhân viên phải tất tả dọn lại cho ngay thẳng, chứ người quản lý mà đi qua thấy khu vực nào hàng hóa, sản phẩm bê trễ sẽ bị hỏi thăm ngay”.
Cô gái xinh đẹp, nhà ở đường Ba Tháng Hai (quận 11, TPHCM) này còn cho biết, nhiều chàng trai vào siêu thị mua thì ít, ngắm thì nhiều và luôn buông lời chọc ghẹo các nữ nhân viên đứng quầy. Và cho dù bực tức chăng nữa, nhiệm vụ của các nữ nhân viên là phải cắn răng mà… cười.
Tại mỗi siêu thị, công việc thường chia làm 2 ca, sáng từ 8 giờ đến 3 giờ chiều, ca chiều từ 3 giờ đến 9 giờ tối, và đêm nào cũng phải 9 giờ, Kiều Oanh mới trở về nhà sau một ngày chỉ đứng, cười và nói.
(Theo Tiền Phong)