Sáng sớm, ông Mười Ích (60 tuổi, ngụ ấp Vạn Phước) đẩy xe cút kít ra ao cách nhà 500 m. Cầm chiếc thau nhôm, ông Mười lội xuống ao sâu, sau đó lấy hơi lặn xuống, lát sau ông ngoi lên với đống đất sét màu xám đen trên tay. Đất đắp lò phải là loại đất sét dẻo dai. Người thợ lấy đất sau khi lặn xuống đáy ao phải dùng tay không cào lớp bùn lẫn tạp chất trên mặt bỏ đi.
"Mỗi ngày phải móc khoảng 100 kg đất nguyên liệu, ngoài ngâm nước lạnh, có khi trúng mảnh chai, gai nhọn đâm rách chân tay", ông Mười nói. Mỗi bận đất đầy thau ông cho vào bao, khi đã ước chừng đủ số lượng sẽ bỏ lên xe đẩy về tập kết một góc ở chái nhà. Đất sau đó được đem đi phơi nắng sơ cho ráo nước.
Nghề đắp lò đất đến với gia đình ông Mười cách đây hơn 30 năm, như cơ duyên. Một người họ hàng của ông không có tiền, ra sông móc đất sét đắp lò sử dụng. Sau nhiều lần thử nghiệm, lò đắp xong không cần nung nhưng xài bền nên những người trong dòng họ chỉ nhau cách đắp lò. Nhiều người đến chơi thấy lạ đặt mua. Từ hộ đầu tiên, nghề đắp lò đất mở rộng ra 5 hộ với vài chục nhân công. Tiếng lành đồn xa, lò đất Vạn Phước sau đó xuất sang các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre.
Trong khi ông Mười ra ao tắm rửa từ chuyến lặn lấy đất trở về, con dâu ông, chị Huỳnh Thị Đẹp (37 tuổi) đem mớ đất trộn với tro trấu. Do là nghề thủ công nên tỷ lệ phối trộn tro, đất cũng không có công thức cụ thể, chỉ tin vào cảm giác tay sao cho không cứng cũng không được quá mềm. Đất trộn tro xong được nhào nặn nhiều lần, đưa ra phơi sơ cho dẻo lại, rồi lại đem vô thêm tro trấu, nhào nặn một lần nữa đến khi hỗn hợp thật mịn mới đem gia công.
Không có khuôn mẫu, nên mỗi lò thành phẩm mang tính "độc bản", tùy theo ngẫu hứng người thợ. Chiếc lò sẽ trải qua 3 công đoạn: làm đế lò, đắp thân, cuối cùng là ống khói. Người thợ sau khi đắp phần đế dày khoảng một tấc sẽ đợi đất vừa ráo sẽ đắp nối tiếp, cứ 10 phút đắp một tầng. Mỗi lò mất gần một giờ gia công, sau khi hoàn thành cao chừng nửa mét.
Để tạo tính thẩm mỹ cho sản phẩm, thợ dùng bay nhỏ chà vuốt láng mịn mặt ngoài. Điểm khác biệt của cách làm lò "độc nhất vô nhị" này là không đem đi nung, mà chỉ phơi nắng, nếu nắng tốt khoảng ba ngày sẽ khô. Lò thành phẩm có màu trắng xám như xi măng.
Gia đình ông Mười thường làm lò chụm củi và lò trấu, với giá thành 100.000-150.000 đồng mỗi chiếc, bằng phân nửa so với lò xi măng, nhưng tuổi thọ cao gấp hai lần, càng chụm càng chắc. Bình quân mỗi ngày gia đình ông gia công khoảng hai chiếc, nhiều nhất bốn chiếc, chủ yếu đi các địa phương vùng ven biển ở Tiền Giang.
Thời chưa có bếp gas và điện, lò đất bán đắt như tôm tươi, mỗi bận xuất hàng xe ba gác vào đến tận nhà ông Ích chở mỗi ngày vài chục cái là chuyện thường. Sau 30 năm đất nguyên liệu dưới sông giờ đã cạn kiệt, đất ao kém chất lượng hơn, tuổi thọ mỗi lò giảm phân nửa. Nhiều năm gắn bó với nghề, ông Mười bảo gia đình vẫn làm lò đất sét, cho đến khi không còn ai đặt nữa.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thông tin theo thời gian cuộc sống ngày càng hiện đại, nên các nghề truyến thống ngày càng bị mai một. Trên địa bàn tỉnh chỉ còn lại 12 nghề. Một số làng nghề truyền thống như làm trống, dệt chiếu, làm bánh in, chằm nón, rèn... với tổng lao động hơn 1.000 người, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng một người.
Từ đây đến năm 2025, Long An được Trung ương hỗ trợ phát triển làng nghề với kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Mục tiêu của chương trình là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề với các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hoàng Nam