Nhớ về Tết giản dị nơi quê nhà. Ảnh tác giả cung cấp. |
Vậy là một năm mới đã đến với chúng ta, đến với mỗi con người trên hành tinh này, năm cũ qua đi mang theo biết bao kỷ niệm vui buồn cuả mỗi người. Với tôi khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới nơi đây, trong tiếng pháo rộn ràng đón giao thừa cảm giác rạo rực cuả cái Tết Nguyên Đán Việt Nam lại uà về.
Khi con người đã bước sang tuổi xế chiều hình như người ta không còn nhiều hào hứng với không khí đón xuân mới mà thay vào đó là những ước muốn được sống lại với tuổi thơ, khi mà mỗi độ xuân về trong không khí tưng bừng cuả tiếng pháo và những lời chúc tụng, được diện một bộ quần áo mới, đón nhận những đồng tiền mừng tuổi cuả người thân trong gia đình.
Gửi bài dự thi tại đây Bấm vào đây để xem thể lệ |
Năm nay là năm thứ 24 tôi xa quê hương Việt Nam và là năm thứ 31 tôi thoát ly khỏi cuộc sống gia đình, trong ngần ấy năm tôi rất ít có dịp được về quê đón xuân vui Tết với gia đình, thế nhưng trong tôi không bao giờ quên được những cái Tết của tuổi thơ, khi còn sống trong vòng tay cuả bố mẹ. Sinh ra trong một gia đình thuần nông đông anh em, cuộc sống tuy nghèo khó song bố mẹ tôi luôn cố gắng lo cho chúng tôi cái Tết chu đáo.
Năm nào cũng thế, bố mẹ tôi luôn gói nhiều bánh chưng và mổ lợn ăn Tết. Cứ đến ngày 28 Tết là bố mẹ tôi đã lo cắt lá dong, ngâm gạo để gói bánh, không bao giờ tôi có thể quên hình ảnh bố tôi ngồi khoanh chân bên cái nong lớn, quanh ông là những chồng lá dong xanh mướt được rửa sạch, cắt tỉa gọn gàng xếp ngay ngắn bên rá gạo nếp trắng ngà và những nắm đỗ đã được mẹ tôi thổi chín.
Tôi thường ngồi chăm chú theo dõi bố tôi gói bánh chưng, 2 bàn tay cuả ông nhẹ nhàng xếp từng lớp lá theo trật tự nhất định sau đó ông đổ gạo lên, san bằng ra 4 góc ngay ngắn và bẻ nắm đỗ cho tiếp lên, kế đến là những miếng thịt mỡ béo ngậy sau cùng ông cho một lớp gạo nếp nữa lên và bắt đầu dùng hai tay vít dầu lá dong lại rồi chỉ với vài động tác lật đi lật lại ông đã gói xong chiếc bánh chưng vuông vắn.
Khi chồng bánh đã cao thì cũng là lúc mẹ tôi nhóm xong bếp. Để có củi nấu bánh chưng bố tôi phải chuẩn bị trước hàng tháng, củi nấu bánh phải phơi khô và chắc thường là gốc tre hay gốc cây phi lao. Khi bếp củi đã đượm lửa là lúc anh em chúng tôi quây quần xung quanh. Tôi nhớ như in ngày còn nhỏ tôi thường lấy rơm trải ra sau lót thêm lớp lá chuối khô lên trên nằm cạnh bố để canh chừng bánh.
Thường từ lúc nồi bánh được bắc lên cho đến lúc bánh chín là từ 8 dến 10 tiếng tuỳ theo số lượng bánh. Tôi thường hay ngủ thiếp đi trong tiếng nổ lách tách của củi khô và tiếng sôi rục rịch cuả nồi bánh. Đến gần sáng tôi tỉnh giấc cũng là lúc bố tôi vớt bánh, những chiếc bánh chưng xanh biếc bốc hơi nghi ngút được ông vớt ra sau đó đặt lên tấm phản và ép cho hết nước. Bố tôi bảo làm như thế thì bánh mới để đưọc lâu mà không bị mốc.
Xung quanh hàng xóm cũng bắt đầu ồn ào bởi không khí Tết, tiếng lợn kêu eng éc, tiếng pháo nổ đùng đoàng cuả lũ trẻ hàng xóm làm cho cái xóm nghèo nhỏ bé cuả vùng quê trở nên nhộn nhịp khác thường. Người ta lo đi chợ sắm Tết, ở cái vùng quê này đi chợ Tết cũng là thú vui xuân cuả mọi lứa tuổi. Người lớn tuổi thường mua sắm vật dụng, thực phẩm. Thanh niên nam nữ thường lấy ngày này làm thời điểm giao du gặp gỡ, trẻ con thì xúm năm tụm ba bên hàng pháo tép hay ông bán tò he. Không thiếu những ánh mắt nụ cười tình tứ cuả các chàng trai cô gái mới lớn dành cho nhau trong phiên chợ quê, áo quần thì tuy không nhiều mẫu mã như bây giờ song cũng đủ tạo nên nét xuân tươi tắn cuả các chàng trai cô gái.
Đông vui nhất có lẽ là khu vực bán pháo và bán tranh, bán hoa. Họ xúm lại chen chân nhau để ngắm những bông hoa tươi rói cắt ra từ chính vườn nhà, nào lay ơn, nào cúc, nào thược dược..., thôi thì đủ sắc màu. Cái chợ quê thường ngày hiu hắt bóng người nay bỗng trở nên đông đúc chật chội. Với tôi thích nhất là khu bán tranh, câu đối Tết. Những bức tranh dân gian truyền thống về 12 con giáp, tranh Đông Hồ, và có lẽ thích hơn cả là những câu đối Tết.
Hồi đó trong túi tôi chẳng bao giờ đủ tiền mua những thứ đó nhưng sao tôi cứ thích sà vào ngắm nghía. Chỉ với cây bút lông mà sao họ họ vẽ thật đẹp, những bức tranh cảnh quê với con trâu đồng lúa, bụi tre mà hàng ngày chỉ cần ra ngõ đã bắt gặp vậy mà trong tranh nó trở nên đẹp lạ thường. Cái cảm giác thích thú đến mê mẩn ấy đến bây giờ vẫn hiện hữu trong tôi cho dù ngày nay có đầy rẫy những tranh ảnh mang màu sắc công nghệ số, 3D.
Thế rồi giờ phút thiêng liêng của đêm giao thừa cũng tới. Bố mẹ tôi thường tất bật chuẩn bị bữa cơm tất niên cúng gia tiên dòng tộc, lúc đó có lẽ là thời điểm gia đình quây quần đông đúc và ấm cúng nhất. Cả buổi tối cả nhà chẳng ai đi ngủ, khỏi phải nói lũ trẻ con chúng tôi háo hức như thế nào, ngày ấy chúng tôi được đốt pháo thoải mái chứ không như bây giờ.
Thế nhưng lũ trẻ chúng tôi thường không có nhiều tiền mua pháo, thay vào đó là dùng những cục đất đèn (canxycácbur-CaC2) để tạo ra tiếng nổ. Cái sáng kiến tạo nên tiếng nổ này tôi cũng chẳng biết ai là người đầu tiên phát minh ra mà chỉ biết học theo lớp đàn anh đi trước. Dụng cụ phát nổ thật đơn giản là dùng một cái ống bương loại to dài khoảng 50 cm, cưa một đầu, một đầu để kín, ngay cạnh phía đầu kín dùi một lỗ nhỏ, khi sử dụng chỉ cần cho một chút nước vào ống bương và bỏ cục đất đèn vào lắc đều, đất đèn khi gặp nước sẽ tạo khí Axetylen(C2H2) theo phương trình phả ứng [CaC2 2 H2O → C2H2 Ca(OH)2] và chỉ cần châm mồi lửavào cái lỗ kia là lập tức sẽ phát nổ.
Chỉ vậy thôi mà nó mang lại cho lũ trẻ chúng tôi cái cảm giác rạo rực vui tươi đến khó tả. Cho đến bây giờ ở cái tuổi U50 mà tôi vẫn nhớ như in cái mùi tanh nồng cuả đất đèn và hình ảnh lũ trẻ con chúng tôi với bàn tay nhợt nhạt vì cái chất Base và cái ống bương phát nổ đêm giao thừa cuả vùng quê nghèo khó.
Ở Việt Nam vào ngày mồng 1 Tết, mọi người thường dành thời gian đi thăm và chúc Tết họ hàng dòng tộc nội ngoại. Ngày này lũ trẻ chúng tôi cảm thấy sung sướng nhất vì được nhiều người lì xì. Tôi nhớ ngày ấy còn dùng đồng tiền xu mệnh giá 5 xu, 2 xu, tiền giấy thì từ 1 hào (10 xu) loại tiền phát hành từ năm 1958. Bọn tôi thích được mừng tiền xu hơn vì còn dùng nó để chơi đáo những ngày nghỉ Tết.
Sang mùng 2 không khí Tết đã dần trở nên kém vui, đâu đó đã có người rục rịch trả phép. Vào ngày này mọi người thường đi chơi và chúc Tết xa. Những cặp trai gái mới cưới nhau thường dắt nhau đi ra mắt (trình diện) khắp xóm làng. Lũ học sinh chúng tôi thì lo đi chúc Tết thầy cô năm sớm, quà cho thầy cô chỉ vẻn vẹn mấy quả cam, hay gói chè khô Thái Nguyên chứ làm gì có phong bì phong bao như bây giờ. Nhiều năm trời mưa đến nhà thầy cô còn ngã lấm cả túi quà, ấy vậy mà chẳng bao giờ các thầy cô trách móc hay tỏ vẻ khó chịu. Thường các thầy cô tiếp đón chúng tôi thân mật, thay cho cái vẻ nghiêm nghị hằng ngày là những nụ cười thân thiện, những câu nói giản dị gần gũi.
Ngày mùng 3 các gia đình thường tổ chức đi sửa sang mồ mả , đây là dịp để người sống tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Người người, nhà nhà đều cùng nhau mang vàng hương ra cánh mả để thắp hương và sửa sang lại ngôi nhà cho người đã khuất. Sau đó là lễ đốt vàng kết thúc Tết Nguyên Đán. Theo quan niệm cuả người quê tôi, trong ngày này, người ta làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt.
Ngày này thường tổ chức linh đình, vừa mang ý nghĩa kết thúc Tết, tiễn người cõi âm và trên dương thế cũng là buổi chia tay với người đi xa. Không khí Tt đã thực sự lắng lại trên cái xóm nhỏ cuả tôi, một vài người chăm chỉ đã vác cuốc ra đồng để khai việc đầu năm với mong muốn mang lại một năm mới đầy bội thu, lũ trẻ chúng tôi cũng lôi sách vở, ôn bài, khai bút đầu năm để hy vọng một năm học tập may mắn.
Những ngày tiếp theo là những ngày thật buồn tẻ, người ra đi lưu luyến, kẻ ở lại nhớ mong. Hình bóng bố mẹ già tất bật lo lắng gói quà cho những đứa con ở xa từ lâu đã in đậm nét vào trong tim những đứa con xa quê nó tạo nên cái nét nhân bản cuả con người Việt Nam mãi mãi trường tồn với thời gian, tiếp nối các thế hệ. Nó cũng tạo thêm nét đẹp riêng thêm vào cái tập tục của ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam mà bất cứ ai, dù đi xa bất cứ đâu hay sống trong bất cứ không gian văn hoá nào cũng sẽ mãi mãi không bao giờ quên.
Riêng tôi từ lâu nó luôn khắc đậm trong tim, trong những năm tháng dài bôn ba nơi hải ngoại, để mỗi độ xuân về nó trở nên khắc khoải lưu luyến. Cho dù cuộc sống nơi đây có ầy đủ bao nhiêu về vật chất nhưng trong tâm hồn mình vẫn có một khoảng trống vô biên mà chẳng bao giờ khoả lấp được. Đó là những kỷ niệm tuổi thơ và cái Tết mộc mạc quê nhà.
Phạm Thế Năng