Kể từ khi V-League ra đời đã có làn sóng không nhỏ cầu thủ gốc Việt từ nước ngoài trở về thử vận may. Từng khoác áo vài lò đào tạo tên tuổi, như Ludovic Casset (Auxere - Pháp), Toni Lê Hoàng (Lega Warsaw - Ba Lan), Michel Lê (Metz - Pháp), Johny Anh Ngọc (Reims-Pháp)... nhưng quá trình về nước thử việc đều thất bại.
Nếu xét khía cạnh chuyên môn lẫn tác phong chuyên nghiệp, cầu thủ gốc Việt đều được giá cao. Nhưng có quá nhiều lý do tế nhị khiến chỗ đứng các cầu thủ Việt kiều vẫn bị xem nhẹ mỗi khi họ trở về nước. Kể cả trường hợp Lee Nguyễn - từng được gọi vào đội tuyển Mỹ - cũng có ba năm trở về Việt Nam đầy ác mộng.
Sở hữu khả năng chơi bóng xuất sắc nhưng Lee Nguyễn bị "chăm sóc" quá kỹ mỗi khi ra sân thi đấu ở V-League. Điểm mạnh nhất của Lee Nguyễn là khả năng kiến tạo, trợ công tốt cũng không được tận dụng thời ở Hoàng Anh Gia Lai rồi B.Bình Dương. So với ngoại binh, anh không thể có được độ bền, khả năng chịu va chạm trước những pha vào bóng ác ý của đối thủ. Từ niềm kỳ vọng lớn lao, Lee Nguyễn lùi dần vào hậu trường sau những chấn thương liên tục.
Cuộc sống ngột ngạt tại quê cha, Lee Nguyễn quyết định trở về Mỹ và bắt đầu tỏa sáng tại giải nhà nghề Mỹ (MLS). Thậm chí người hâm mộ ở đây còn kêu gọi ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đưa Lee Nguyễn đi dự World Cup 2014, dù cầu thủ quê Bến Tre từng bị xem là "hết thời" ở Việt Nam. Chứng kiến Lee Nguyễn tơi tả sau quãng thời gian ở V-League khiến nhiều cầu thủ Việt kiều tên tuổi như Patrick Lê Giang (MSK Zalina - Slovakia), Filip Nguyễn (Sparta Prague-Ceaxh), Ruslan Tiến Quang (Botev Bvratsa - Bulgaria)... thêm lưỡng lự khi trở về nước.
Tiền đạo Mạc Hồng Quân cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn khi trở về Việt Nam. Từng được đào tạo từ lò Sparta Prague (CH Czech), Quân trở về Việt Nam trước thềm SEA Games 27. Gần một năm đá tại xứ Thanh, chân sút sinh năm 1992 này bị thanh lý hợp đồng vì không đáp ứng được nhu cầu chuyên môn.
HLV Mai Đức Chung có lẽ muốn chọn trung phong ngoại đá chính thay vì tin tưởng vào chân sút họ Mạc trong tham vọng vô địch V-League 2014. Chưa kể mức lương khá cao 4.000 USD một tháng với một cầu thủ Việt kiều cũng là gánh nặng tài chính mà đội bóng xứ Thanh muốn rũ bỏ.
Trường hợp khác như thủ môn Đặng Văn Lâm cũng kém duyên bắt V-League, dù anh được đào tạo bài bản tại Spartak Moscow và Dynamo Moscow tại Nga. Thể hình gần 1m90, Lâm chỉ là thủ môn dự bị ở Hoàng Anh Gia Lai. Thủ môn quốc tịch Nga này nỗ lực thể hiện mình trong màu áo U19 Việt Nam rồi HAGL Attapeu tại giải Laos League song vẫn không được đoái hoài. Kết quả thủ môn triển vọng này về đầu quân cho CLB TP HCM ở giải hạng Nhất mùa này, dù giới chuyên gia cho rằng Đặng Văn Lâm đủ sức tìm chỗ đứng ở hạng đấu cao hơn.
Trường hợp Đặng Văn Robert cũng lưu lạc đủ các CLB tại V-League như Hải Phòng, Thanh Hóa, Sài Gòn Xuân Thành, B.Bình Dương trong 4 năm ngắn ngủi đã qua. Có thể hình lý tưởng, lối chơi nhiệt huyết nhưng Đặng Văn Robert cũng chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn rồi chia tay.
Trong khi Thái Lan, Indonesia và Phippines đang "trải thảm đỏ" mời nhân tài về nước phục vụ, dường như hành trình về quê hương vẫn chưa thể mang lại trái ngọt đối với các cầu thủ Việt kiều.
Đông Anh