Ở New Zealand, những ngày tháng tư này mọi người đều hướng về một ngày lễ lớn, mang đầy ý nghĩa thiêng liêng và nhân văn với lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã phục vụ hoặc ngã xuống trong những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và cộng đồng thế giới. Đó là ngày lễ ANZAC (Australian and New Zealand Army Corps) diễn ra hàng năm vào ngày 25/4 kể từ năm 1916.
Ngày lễ này kỷ niệm cuộc đổ bộ của Quân đoàn Australia và New Zealand (Australian and New Zealand Army Corps) lên đảo Gallipoli ở Thổ Nhĩ Kỳ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1915.
Các binh sĩ Australia và New Zealand là một bộ phận trong cuộc viễn chinh của quân đội Đồng minh được thành lập ra để chiếm giữ bán đảo Gallipoli. Gần 3.000 binh sĩ New Zealand đã ngã xuống trong suốt chiến dịch Gallipoli kéo dài tám tháng này.
Vì tính chất khốc liệt và oai hùng của cuộc chiến ấy mà ngày kỷ niệm ANZAC trở thành ngày lễ của cả nước ở New Zealand. Trường học, văn phòng nhà nước và rất nhiều công ty, tổ chức đều đóng cửa.
Trong ngày ANZAC, nhiều người dân New Zealand tham gia diễu hành, những buổi lễ vào lúc trời hừng đông hoặc những buổi lễ tưởng niệm thành kính, nghiêm trang.
Lễ diễu hành có những người đã tham gia phục vụ quân đội và còn được sống sót để trở về quê hương. Họ đeo những chiếc huân chương lấp lánh trên ngực đầy tự hào nhưng nét mặt thật trầm tư với hồi ức về những cuộc chiến đã qua.
Bạn biết không, tôi ghi nhận một điều thật buồn là mỗi năm trôi qua thì cuộc diễu hành không còn nhiều những binh sĩ đã phục vụ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến nay thì không một ai sống sót trong cuộc chiến ấy còn hiện diện trong buổi lễ được nữa, họ đã ra đi đến một cuộc sống khác và những người sống sót sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai cũng không còn mấy người nữa.
Nhưng cuộc sống vẫn trôi và giờ đây là thế hệ tiếp nối, thay thế những người xưa trong các cuộc diễu hành, làm lễ, để tưởng niệm những anh hùng vì nước quên thân.
Nếu bạn để ý thì sẽ thấy có người đeo huân, huy chương ở ngực trái, có người đeo ở ngực phải, bạn có biết tại sao không?
Tôi được nghe lý giải rằng những người đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến và nhận huân, huy chương thì đeo chúng bên ngực trái. Còn những người có người thân, quen là người đã được vinh dự nhận huân, huy chương ấy nhưng họ đã mất hoặc vì lý do gì đó không tham dự buổi lễ được thì người thân, quen ấy sẽ vinh dự đeo huân, huy chương ấy bên ngực phải của mình để tỏ lòng tôn trọng và tưởng nhớ đến công lao chiến đấu của người anh hùng.
Lễ diễu hành còn có những người đang phục vụ trong hệ thống quốc phòng, những thiếu sinh quân và những tổ chức thanh thiếu niên như biểu tượng của sự tiếp nối thế hệ cha ông viết tiếp dòng lịch sử của đất nước.
|
Bên cạnh đó, những vòng hoa cũng được đặt lên bia mộ của những người anh hùng hoặc đặt bên những tượng đài tưởng niệm để tưởng nhớ đến những người dân New Zealand đã chiến đấu và ngã xuống trong những cuộc chiến tranh và xung đột đã qua trong quá khứ. Cũng có người đi đến Gallipoli ở Thổ Nhĩ Kỳ để dự lễ tưởng niệm trong ngày ANZAC này.
Một biểu tượng đặc biệt để tưởng nhớ về ngày ANZAC đó là đóa hoa anh túc màu đỏ. Những ngày trước ngày 25/4, bạn sẽ thấy hầu như những nơi công cộng như các cửa hàng, siêu thị, văn phòng công ty… nơi nào cũng có một bàn nhận tiền đóng góp tự nguyện, do những tình nguyện viên tham gia thực hiện.
Khi bạn đóng góp thì bạn sẽ được cài một đóa hoa anh túc lên ngực để ghi nhận sự đóng góp thiện nguyện ấy trong sự tưởng nhớ đến những người anh hùng đã qua. Sau đó, những người hiện tại dùng số tiền ấy một cách có ý nghĩa vào những việc công ích.
Các em học sinh, các đoàn thể thanh thiếu niên như Hướng Đạo... đều có những hoạt động thiết thực trong dịp tưởng nhớ này. Có những buổi sinh hoạt tìm hiểu về mục đích ý nghĩa của ngày ANZAC, làm thủ công như vẽ, cắt, dán hoa anh túc, tìm hiểu về trận chiến ở Gallipoli ngày ấy, với những phương tiện, chế tài vũ khí ra sao...
Thật cũng không khác gì những hoạt động tưởng nhớ đến Trận Điện Biên Phủ oai hùng, trận chiến thắng lịch sử 30/4 ở Việt Nam phải không các bạn?
Ngày nay sống trong cuộc sống thanh bình, yên ả, phồn thịnh, chắc hẳn là trong số những người của thời hiện tại chúng ta không thể thấu hiểu hết những bi hùng của thời chiến đã qua khá lâu trong quá khứ. Những hành động tưởng niệm hàng năm như thế này đã là một sự nhắc nhở mạnh mẽ để lớp người hiện tại không thờ ơ và quên đi những đóng góp cao quý của thế hệ ông cha.