Sáng 2/3, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Hình ảnh cánh buồm đỏ được ban tổ chức trang trí, trải dài lối dẫn vào trung tâm sân khấu với ý nghĩa hướng về không gian cao rộng, chân trời mới của sáng tạo. Với chủ đề "Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước", Ngày Thơ quy tụ nhiều tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền. Năm nay, không gian trình diễn thơ được chia thành sân khấu truyền thống và trẻ. Tại sân khấu thơ truyền thống, nhà thơ Anh Ngọc - thành viên tham gia hội diễn - đọc lại sáng tác "Nước muối quê hương" của đồng đội cũ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sân thơ truyền thống - nơi trình diễn của các tác giả chuyên nghiệp - thu hút đông đảo công chúng lớn tuổi. Khách mời của sự kiện năm nay là bốn cây bút đến từ Nhật Bản, trong đó có Chủ tịch Hội Nhà thơ Nhật Bản Kohei Ikura. Ban tổ chức trưng bày những ấn phẩm, chân dung các nhà văn, thơ nổi tiếng là cựu chiến binh hoặc liệt sĩ. Hội thơ quy tụ rất đông người lính từng tham gia chiến trường. Với họ, những vần thơ của đồng đội là kỷ niệm khó phai trong thời khắc sinh tử. Sân khấu trẻ tập hợp những cây bút không chuyên và gương mặt hội viên mới của Hội Nhà Văn Việt Nam. Lần đầu tham gia Ngày Thơ, cây bút Nguyễn Đức Hậu (trong ảnh) - sinh viên năm ba Đại học Văn hóa Hà Nội - mang tới chương trình hai sáng tác "Những người trẻ" và "La Pán Tẩn". Đức Hậu ấn tượng với những quán thơ được trang trí bắt mắt tại khuôn viên nhà Thái Học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Tác giả nhỏ tuổi nhất của sự kiện năm nay là Ngô Gia Thiên An (1999). Cây bút trẻ đọc bài "Ánh sáng" mang đến sắc thái tươi trẻ ở nửa cuối chương trình. Trên sân khấu dành cho thơ trẻ, các tác giả thể hiện tổ khúc "Những đứa con bất tử của mẹ Tổ quốc" gợi không khí đau thương, oanh liệt của thế hệ chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh giữ gìn non sông, đất nước. Xen lẫn những phần trình diễn thơ là nhạc phẩm ngợi ca quê hương, con người Việt Nam. Ngoài những bài ca hiện đại, màu sắc tươi trẻ, tiết mục hát ả đào của Câu lạc bộ ca trù Hà Nội tạo điểm nhấn cho hội diễn. Tuy nhiên, khi số lượng tiết mục văn nghệ chiếm nhiều thời gian, một số nhà thơ cho rằng ban tổ chức nên tập trung vào phần chính (diễn thơ) để thỏa mãn nhu cầu của độc giả yêu thơ hơn là ca múa. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết ông hài lòng về công tác tổ chức của chương trình năm nay. Ông nhận xét: "Việc chúng ta dành một ngày hàng năm để tôn vinh giá trị của thơ ca là điều không phải đất nước nào cũng làm được. 16 năm qua, những nhà thơ và công chúng đã đưa thú thưởng ngoạn thi ca tao nhã của một nhóm nhỏ trở thành cuộc giao tiếp rộng lớn trên cả nước”. Tại sự kiện, nhiều gian hàng sách đa dạng thể loại thu hút khán giả. Ngoài ra, khoảng mười quán thơ được dựng tại sân Văn Miếu mang chủ đề thơ lục bát, thơ Facebook, thư pháp… Lễ khai mạc còn là dịp gặp gỡ đầu năm của những người bạn thơ. Họ tặng cho nhau những sáng tác mới và ghi lại những lời chúc sức khỏe, bình an. Độc giả Hoàng Thị Hưu (Khoái Châu, Hưng Yên) có mặt tại sự kiện từ rất sớm. Cô cho biết đã về hưu nhưng không ngại quãng đường hơn 20 km để có mặt trong Ngày Thơ Việt Nam. Ở đây, cô được giao lưu với bè bạn khắp tỉnh thành, cùng nói về đam mê nghệ thuật và đối đáp thơ. Sau thời gian bị tai biến, sức khỏe hiện tại của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (trái) dần ổn định. Ông cho biết cơ thể còn mệt nhưng vẫn đến hội thơ để ủng hộ, cổ vũ tinh thần bạn bè. Phần thả thơ truyền thống kết thúc sự kiện kéo dài gần ba tiếng. 50 câu thơ được ban tổ chức chọn lựa ngợi ca truyền thống văn hiến, hào khí dân tộc. Trọng TrườngNhiều hoạt động đón Ngày thơ Việt Nam Ngày thơ Việt Nam 2017 đông nghịt người tham dự