Rất ít người, nếu không muốn nói là không có ai, bên ngoài "quỹ đạo" của Trump có thể sớm dự đoán được những gì sẽ tới như Brian Mosteller. Mosteller từng là giám đốc điều hành Phòng Bầu dục và trợ lý đặc biệt của cựu tổng thống Barack Obama. Do đó, ông là một trong số ít còn ở lại Nhà Trắng hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực trong ngày nhậm chức của tổng thống Donald Trump năm 2017.
Mosteller nhớ lại buổi sáng 20/1 năm đó, khi Trump và Obama, cùng một loạt lãnh đạo chính trị hàng đầu, tập trung tại Phòng Xanh của Nhà Trắng để tham dự tiệc trà theo truyền thống. Khi mọi người bắt đầu lên các đoàn xe hộ tống để tới Đồi Capitol, tổng thống sắp mãn nhiệm và tân tổng thống đã nán lại phòng Grand Foyer. Obama đã trao đổi nhanh với Trump về một vấn đề an ninh quốc gia đang chờ xử lý.
"Trump nói 'Vậy ông có thể làm được gì trong tình huống này?'", Mosteller kể.
Mosteller cảm thấy kinh ngạc, không chỉ bởi Trump dường như không suy nghĩ nhiều về vấn đề đó mà còn bởi "nó là bằng chứng cho thấy ông ấy không thực sự hứng thú với câu trả lời".
Một cảnh đơn lẻ trước một buổi lễ lịch sử không báo trước một nhiệm kỳ tổng thống. Nhưng khi nhiệm kỳ của Trump kết thúc vào 20/1, hầu hết thời thời gian tại vị của ông mang tính biểu như ngày đầu tiên: sự hân hoan của người hâm mộ, nỗi khiếp sợ của kẻ thù, luận điệu hùng hồn, cách tiếp cận phi chính thống, phá cách như một chiến thuật, hỗn loạn như một sản phẩm phụ và những ám ảnh vụn vặt đã tô màu tất cả. "Chúa ngày đó thật tệ", Ben Rhodes, cố vấn lâu năm của Obama, người đã ở bên ông hôm đó, nói.
Đối với nhóm chuyển giao của Obama, đó là một ngày ảm đạm. Nhiều người trong số họ có mặt ở Nhà Trắng hôm đó đang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ 8 năm. Một số thậm chí ngủ lại văn phòng trước ngày nhậm chức tổng thống vì sợ việc kiểm soát an ninh ở Washington khiến họ không thể đi làm đúng giờ vào hôm sau. Nhiều trợ lý nhớ lại cảm giác kiệt sức, chán nản pha lẫn dự cảm không lành trong ngày hôm đó.
"Tôi kiệt sức sau 8 năm làm việc ở đó và hy vọng hoàn thành công việc của mình", Pete Souza, nhiếp ảnh gia lâu năm của Obama, nói. "Nhưng lúc đó tôi thực sự lo ngại cho đất nước này, cũng như việc chúng tôi đang chuyển giao chìa khóa cho ai. Đó là hai cảm xúc mâu thuẫn kỳ lạ của ngày hôm đó".
Mọi thứ hôm đó đều không giống mọi khi. Khi Obama bước xuống từ dinh thự để tới Phòng Bầu dục, ông được giao cuốn sổ tóm tắt lịch trình trong ngày, mỏng hơn bình thường. Tất cả những món đồ cá nhân của ông đều được dọn khỏi căn phòng.
Obama lấy bức thư mà ông viết cho Trump khỏi Bàn Kiên định, cho vào phong bì và để nó trở lại ngăn kéo. Sau đó, ông quay lại dinh thự và có bữa tiệc tại phòng ăn Nhà Trắng với các nhân viên. Họ tặng ông lá cờ đã treo trên nóc Nhà Trắng hôm đó.
"Ông ấy đã sẵn sàng để rời đi", một cựu trợ lý nói.
Ngay sau đó, tân tổng thống tới và không khí trở nên căng thẳng. Khoảnh khắc Trump để đệ nhất phu nhân Melania phía sau khi bước lên chào hỏi Obama đã khiến không khí có chút ngượng ngùng. Khoảnh khắc lúng túng khác nối tiếp khi Melania mang tặng một món quà. Dù chỉ có ý tốt, nó đã vi phạm những hướng dẫn rõ ràng về việc cấm những hành động trao đổi như vậy.
Bên trong Nhà Trắng, các trợ lý của Obama cảm thấy choáng ngợp vì hành động bạo dạn của Trump. Mosteller nhớ lại Trump đã hành xử như thể ông ấy "vừa giành được giải thưởng".
Souza kể lại với giọng điệu gay gắt hơn. "Tôi cảm thấy như mafia đang xuất hiện", ông nói. "Nó rất khó giải thích. Ông ấy quá chú ý tới bản thân".
Mọi người đã có buổi tiệc trà trước khi lên xe hộ tống tới Đồi Capitol tham dự lễ nhậm chức. Khi họ tới nơi, Trump và Obama tới hai căn phòng riêng biệt. Tại phòng của mình, Obama ký dự luật chính thức cuối cùng, trong khi nhân viên xung quanh dành cho ông một tràng pháo tay vui vẻ. Sau đó họ tới nơi diễn ra lễ nhậm chức. Tại chính nơi đó 8 năm trước, Obama từng tuyên thệ. Khi đó, trước khi bước lên bục tuyên thệ, Obama đã dừng lại và nhắm mắt lại một chút.
"Ông ấy nhắm mắt vài giây. Tôi đoán chắc ông ấy đang cầu nguyện", Souza kể.
Souza nhớ khi Trump xuất hiện, ông ấy cũng nán lại một chút trước khi bước ra tuyên thệ nhưng để giơ nắm đấm lên cao như thể hiện niềm vui chiến thắng. "Trái tim tôi chùng xuống", Souza nói.
Một người liên quan tới lễ nhậm chức mô tả tâm trạng của Trump "hoàn toàn vui mừng và phấn chấn".
Lễ nhậm chức của Trump chứa đầy những điều "không có tiền lệ". Con gái Ivanka đêm trước ngày nhậm chức đã phải thuyết phục Trump không ở lại khách sạn riêng mà tới Nhà Blair, nằm ở phía đối diện quảng trường Lafayette, theo truyền thống. Nỗi lo sợ về việc Trump "cao su" lớn đến nỗi các nhân viên của ông phải nhấn mạnh rằng phó tổng thống sẽ nắm quyền tổng thống nếu ông tuyên thệ muộn vài phút.
"Ông ấy yêu con số 45 và chúng tôi đã nói 'nếu đến muộn, ngài có thể trở thành tổng thống thứ 46'. Và dĩ nhiên ông ấy không thích điều đó chút nào, nên nói rằng mình sẽ không đến muộn", một nhân viên nói.
Thời điểm Trump tiếp quản vị trí lãnh đạo nước Mỹ, những dấu hiệu cảnh báo về căng thẳng trong chính trường Mỹ 4 năm tiếp theo đã dần hiện ra. Hàng chục người thuộc phe Dân chủ đã kéo tới biểu tình phản đối. Ngôi sao hạng A Elton John dự định trình diễn tại lễ nhậm chức, nhưng sau đó hủy lịch vì nhà tài chính Anthony Scaramucci, sau đó trở thành người hâm mộ Trump, vô tình tiết lộ điều đó quá sớm.
Bài phát biểu của tổng thống cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi, với những lời lẽ gây sốc. David Shulkin, người được Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Cựu chiến binh, nhận xét tổng thống như đang mô tả kỷ nguyên "tàn sát nước Mỹ".
"Nó đã trở thành tiền đề cho những gì mà chúng tôi thấy xuyên suốt chính quyền này, đó là rất nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ để có thể gắn kết đất nước", Shulkin nói.
"Nó thật kỳ cục", cựu tổng thống George W. Bush nói với Hillary Clinton.
Trở lại Nhà Trắng, những trợ lý mới đến vội vã tìm địa điểm mình cần tới và cách để vận hành văn phòng của họ. Điện thoại đổ chuông nhưng không ai biết chắc ai là người nên nhận chúng.
Trump đã chỉ thị cho nhân viên rằng ông muốn nhanh chóng bắt tay vào nhiệm kỳ. Tới buổi chiều, báo giới đã được triệu tập tại Phòng Bầu dục để ghi lại những hành động chính thức đầu tiên của Trump. Tới 7h30 tối, một bài báo cho biết bức tượng bán thân Martin Luther King Jr, được trưng bày suốt nhiệm kỳ của Obama, đã không còn ở Phòng Bầu dục. Thực tế, nó chỉ bị che phủ bởi một tấm rèm và nhân viên mật vụ. Zeke Miller, phóng viên của tin tức đó, vội vã đăng tweet đính chính một giờ sau đó. Nhưng cho tới lúc này, nhiều lời chỉ trích đã đổ dồn về phía Trump.
"Tôi đã mất 6 tiếng để dẹp yên ngọn lửa phẫn nộ về phân biệt chủng tộc", một nhân viên nhớ lại. Kellyanne Conway, giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, mô tả khoảnh khắc đó là điềm báo cho 4 năm sóng gió trong quan hệ giữa tổng thống với truyền thống.
"Phần lớn thời gian của ngày hôm đó là phép ẩn dụ cho những gì xảy ra tiếp theo", Conway nói.
Souza và Mosteller lúc đó đang trên máy bay với Obama. Họ không xem tin tức, có thể là do không thể xem hoặc không muốn xem những gì xảy ra sau lễ nhậm chức. Souza cho biết thấy nhẹ nhõm vì công việc đã kết thúc. "Nhưng suốt thời gian đó, tôi như nín thở khi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra trong những tháng tiếp theo và trong 4 năm tới", ông nói.
Khi sắp tới Palm Springs, chuyến bay của họ không thể hạ cánh vì sương mù khủng khiếp. "Một vài người tỏ ra lo lắng", cựu trợ lý của Obama, người cũng có mặt trên chuyến bay, nhớ lại.
Họ cuối cùng phải chuyển địa điểm hạ cánh. Sau đó, gia đình tổng thống Obama nhanh chóng lên xe hộ tống tới địa điểm nghỉ dưỡng. Mosteller cho biết không có "lời chào tạm biệt" nào, bởi họ biết sẽ gặp lại nhau.
Thanh Tâm (Theo Politico)