Ông tôi sinh ra ở Đan Mạch năm 1903. Ông đặt chân đến Canada vào năm 1926 sau nhiều năm phục vụ quân đội Đan Mạch trong Thế chiến thứ nhất. Ông luôn tự hào khi kể về chuyện ông đến Canada chỉ với 25 xu.
Thời ông mới đến, người ta gọi Canada là Bắc châu Mỹ, gồm hỗn tạp khổng lồ dân di cư từ khắp nơi đổ về: Người Anh, người Đức, người Ireland, người Ý, người Ba Lan... Nhìn chung, họ không không giàu có, cũng không phải dạng tầm thường. Bởi đây là vùng đất còn hoang sơ, cực kỳ nguy hiểm và rủi ro, nhưng họ đã tìm đến để xây dựng cuộc sống mới.
Vào thời gian đầu ấy, Canada chưa có thành phố nào, cơ sở hạ tầng yếu kém. Những người di cư đến đây không có tiền nhưng có khả năng. Họ là những người lao động, những nhà thám hiểm, dũng cảm và quyết đoán. Họ đã rời xa quê hương. Thời đó làm gì có điện thoại. Khi bạn nói lời tạm biệt với mẹ, đó là lời tạm biệt cuối cùng.
Ở thế giới mới, ông tôi đã có những cuộc chiến rất dài. Ông bị một con lừa đá vào bụng, phải chịu đựng những mũi khâu sống, không có thuốc tê, bằng những sợi dây thô sơ. Ông làm việc trong một trang trại rau để hỗ trợ những người lính trong Thế chiến thứ hai. Sau này, ông dành dụm mua được một trang trại ngựa lớn, lập gia đình, sinh 5 con gái, 2 con trai và một đội quân cháu chắt. Ông là người anh hùng, là huyền thoại của gia đình tôi.
Khi còn ở Afghanistan, tôi đã hiểu được sự quan trọng của người lớn tuổi trong xã hội. Ở đó, họ gọi người cao niên là Elder. Mỗi lần bước chân đến một ngôi làng nào,khách đều phải tới gặp và nói chuyện với Elder làng đó trước. Đó là phong tục từ hàng trăm năm nay, bắt nguồn từ Mông Cổ.
Những ngày Tết, nhìn người Việt Nam gặp lại nhau, đoàn tụ bên gia đình, tôi thấy vui lây. Đây là thời khắc quý giá mà người trẻ có thể tìm kiếm sự khôn ngoan, kinh nghiệm sống từ những người lớn tuổi. Riêng tôi, thì chính là những khoảnh khắc trò chuyện với các "ông nội" trong khu phố. Tôi khá may mắn vì có thể nói được tiếng Việt, nên trong dịp Tết này, tôi không bị lạc loài. Tôi thậm chí còn có một ông nội Việt nữa, tôi gọi vậy vì ông là người lớn tuổi nhất trong xóm. Ông còn có một biệt danh khác là "tổng thống", sau hơn 10 năm quản lý, chăm sóc tận tình đời sống tập thể của khu phố.
Ông làm tôi nhớ về ông nội của tôi ở Canada. Tết ở đây giống như Giáng sinh ở Canada, thời điểm mọi người gặp mặt và cạn chén. Đối với chúng tôi, suốt những ngày lễ, chúng tôi chuẩn bị rất nhiều thức ăn, uống nhiều rượu và trò chuyện đủ thứ trên đời. Cũng có nhiều cuộc cãi vã xảy ra do bất đồng quan điểm, nhưng ông nội luôn làm rất tốt vai trò hòa giải của mình, cho đến khi ông qua đời lúc gần 100 tuổi.
Người anh hùng, ông nội, chủ nhân của đại gia đình tôi đã mất, nhưng những người trẻ tuổi tiếp bước chân ông, đứng lên kéo mọi người quay về và truyền thống cứ thế tiếp tục. Anh hùng thực sự không mặc áo choàng. Họ cho cho ta cái gì đó để phấn đấu. Nhìn trẻ nhỏ, các cậu bé chẳng hạn. Chúng sẽ tự động bắt chước một người lớn hơn, và vô thức chọn một anh chàng cố phẩm chất tốt, đáng ngưỡng mộ.
Đối với một số gia đình, Tết có thể là thời điểm nhạy cảm. Vì những cuộc đoàn tụ giống như chiếc kính lúp, soi rõ cho ta tất cả những điểm mạnh, điểm yếu trong mối quan hệ đối với các thành viên trong gia đình, cho thấy nó tốt hơn hay tệ đi.
Gia đình hay bạn bè, tất cả các mối quan hệ quanh ta bỗng một ngày có thể trở nên khó khăn hay tuyệt vời. Mọi thứ đang thay đổi quá nhanh. Đó là một tương lai đầy thách thức cho những người trẻ Việt Nam, cũng như thế giới.
Nhưng Tết là thời điểm để tái sinh. Tết là thời gian quan trọng cho tình yêu gia đình và người lớn tuổi thông thái. Khi thức ăn và đồ uống được dọn ra, đây là thời điểm tốt để cảm ơn những người đã luôn ở bên mình.
Hãy đối xử tốt với nhau trong những ngày lễ và sẵn sàng cho một năm mới thách thức.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)