Mở đầu ngày chất vấn thứ hai, đại biểu và cử tri cả nước chứng kiến màn đối đáp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Hội trường xôn xao vì những câu trả lời vòng vo, không đi vào trọng tâm câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Văn Xuyền về một vụ án oan tại Thái Bình, Chánh án Trương Hòa Bình hai lần nhầm tên ông thành tên đương sự vụ việc. Trước đó, ông Xuyền cũng được Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn gọi là "bộ trưởng" khiến hội trường rộ tiếng cười".
"Trách nhiệm sẽ được chuyển cho người kế tiếp" - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn về trách nhiệm cá nhân trước bất cập của ngành du lịch khiến hội trường ồ lên.
Theo Bộ trưởng Anh, trước đây Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi là bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore, "tôi bỏ ngỏ, để cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời".
Nói tới ấn tượng của sản phẩm du lịch Việt Nam ra thế giới, ông Anh cho hay: "Đi ra quốc tế thì món phở và nón lá của Việt Nam nổi tiếng. Nón lá của chúng ta tại Hội chợ triển lãm Italy là sản phẩm hấp dẫn xếp thứ tư".
Người đứng đầu ngành văn hóa cũng làm hội trường cười vang trong phần mở đầu khi ông loay hoay bật micro và nói "quen mang thẻ".
Ngày chất vấn thứ hai cũng ghi nhận nhiều khoảng lặng khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn Thủ tướng về việc vay vốn ODA của Trung Quốc, đại biểu Lê Nam chất vấn về giải pháp của Chính phủ trước việc Trung Quốc bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông. Đại biểu Lê Như Tiến chất vấn Thanh tra Chính phủ về tham nhũng.
Thủ tướng nhận thêm 7 chất vấn nâng số câu hỏi cho người đứng đầu Chính phủ lên 10 câu. Các Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam đã đăng đàn giải đáp một số nội được Thủ tướng giao phụ trách.
Chốt lại ngày chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tổng kết có 54 đại biểu hỏi, còn 40 đại biểu chờ. Phiên chất vấn cuối cùng sáng 18/11, lãnh đạo Quốc hội tiếp tục dành thời gian cho một số bộ trưởng, trưởng ngành. "Sau đó, Thủ tướng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu", Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Những phát biểu ấn tượng ngày 17/11 “Nhìn sang các nước trong khu vực, chúng ta không so sánh với Thái Lan, vì đây là một nước phát triển mạnh về du lịch. Chúng ta chỉ so sánh với Lào và Campuchia”, đại biểu Phạm Thị Hải nói. “Nhận viện trợ ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không, nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ bỏ phiếu không đồng ý nhận viện trợ và vay từ Trung Quốc và cũng còn nhiều nguồn khác để vay tiền”. “Tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã ra ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối chính sách luật pháp và khi đó người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận xét. “Điều 244 (Bộ luật hình sự) nói rằng nếu buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng mới xử lý. Tức là phải lăn ra chết mới xử lý. Ăn thực phẩm ít khi nào bị thế, nên điều đó không xử lý được”, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát. “Nếu theo luật thì tôi cũng hiểu, không phải là tôi không hiểu, Chánh án làm sao can thiệp vào việc xét xử của Hội đồng xét xử được, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng không can thiệp được, điều đó là đương nhiên. Chánh án trả lời như thế thì không cần phải trả lời”, đại biểu Bùi Văn Xuyền nói. “Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã cảnh báo về một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên là", đại biểu Lê Như Tiến phát biểu. “Có hiện trạng Thủ tướng nói là xây dựng đúng quy hoạch thì vẫn không đúng quy hoạch, nhà có khi mọc ở giữa rừng. Thủ tướng bảo xây ít tầng thì họ xây cao tầng. Thủ tướng bảo xây ít diện tích thì họ xây nhiều diện tích. Thủ tướng bảo họ không khai thác cát thì họ vẫn chở cát đi bán...”, đại biểu Bùi Thị An nói. |
Võ Hải