Sáng 16/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn. Các báo cáo của Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát, ban dân nguyện chiếm hơn nửa thời gian phiên làm việc sáng. Ngồi ghế chủ tọa, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã đề nghị không đọc Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội như kế hoạch để dành thời gian cho các đại biểu chất vấn.
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, 23 đại biểu đã chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành với nội dung liên quan đến lĩnh vực Công thương, Nông nghiệp, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ...
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho hay cử tri còn nhiều vấn đề băn khoăn về an toàn thực phẩm, phòng chống tham nhũng... Ảnh: Giang Huy. |
Có 3 đại biểu đưa ra câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Nêu thực tế tình trạng chức danh "hàm" trong quy định nhà nước không có nhưng một số cơ quan vẫn đang thực hiện, đại biểu Bùi Mạnh Hùng chất vấn: “Tôi xin hỏi quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này và việc này còn kéo dài đến bao giờ”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Thủ tướng cho biết địa vị pháp lý và hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động có gì khác khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo chất vấn Thủ tướng về chính sách dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
7 Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu. Bộ trưởng Công thương là người nhận được nhiều câu chất vấn nhất. Nhưng người được tái chất vấn nhiều nhất là Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận. Ông Luận cũng là Bộ trưởng duy nhất được Chủ tịch Quốc hội nhắc lại câu hỏi để trả lời cho trúng.
Chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục, các đại biểu đã đưa ra các vấn đề đang được dư luận quan tâm như tổ chức kỳ thi quốc gia; tích hợp trong dạy môn lịch sử; bản dịch mới của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà thời Lý Thường Kiệt.
Hình ảnh đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son về an toàn các cột phát sóng có kèm theo ảnh minh họa cột ăngten đổ vào nhà dân cũng là điểm khác biệt so với các phiên chất vấn trước.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận được nhiều câu hỏi tái chất vấn của đại biểu. Ảnh: Giang Huy. |
Chủ tọa ngày đầu tiên, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị đại biểu rút ngắn thời gian chất vấn từ 7 phút xuống còn 5 phút, thời gian tái chất vấn không quá 2 phút. Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời thẳng vấn đề.
Đánh giá phiên đầu tiên, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, những lần trước chất vấn giữa 2 kỳ họp, giờ tổng hợp lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thời gian dài ra, nội dung phong phú hơn, có tính chất tổng hợp, khái quát đánh giá cả quá trình 5 năm. Vì thế, kể cả câu hỏi và trả lời phải mang tính khái quát cao, đánh giá nhận định có giải pháp cho cả nhiệm kỳ, đòi hỏi người hỏi và trả lời có tư duy khái quát. Tuy nhiên, qua phiên chất vấn cho thấy “hỏi và trả lời na ná giống báo cáo kinh tế xã hội”.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá dùng từ “luộm thuộm” và “tản mạn” khi nói về phiên chất vấn đầu tiên. Đại biểu Khá nhận định, do đây là cách làm mới nên phiên đầu chưa được trôi chảy, chất vấn rời rạc, không được liên kết. “Nên để nhiều đại biểu nói, chứ 5 đại biểu nói đã trả lời chất vấn, rồi chiều lại có đại biểu đề cập cùng vấn đề đó, sáng mai có người nhắc lại thì rất rời rạc”, bà Khá đề nghị.
Theo kế hoạch, ngày mai (17/11) Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn trong 75 phút vào ngày 18/11.
Nhiều câu phát biểu ấn tượng của các đại biểu cũng được ghi nhận trong phiên chất vấn ngày hôm nay. "Có những cán bộ mới đề bạt thời gian ngắn đã bị bắt nhưng chúng ta trả lời vẫn đúng quy trình bổ nhiệm" hay "Tạo ra khuyết điểm, sau đó khắc phục khuyết điểm nhưng lại báo cáo đó là thành tích" - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền. "Có lẽ chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa là ngắn như bây giờ" - đại biểu Trần Ngọc Vinh. "Xin Bộ trưởng đừng bảo tôi cung cấp chứng cứ vì tôi chỉ phản ánh ý kiến cử tri mà thôi" - đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. |
Võ Hải