Những ngày qua, dư luận nổi sóng hết sự việc này đến vụ khác vì những bài đăng "bóc phốt" nhau.
Qua những sự việc trên, tôi nhận ra một điều rằng, những năm gần đây người Việt đang dần có văn hóa bóc phốt người khác trên mạng xã hội. Hành vi đăng bài "bóc phốt" người khác lên mạng xã hội được hiểu là hành động công khai thông tin cá nhân của một người mà không có sự đồng ý của họ.
Những thông tin này có thể bao gồm tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh, số điện thoại và nhiều thông tin nhạy cảm khác liên quan đến đời sống cá nhân của người bị bóc phốt. Mục đích chính của hành vi này thường là để tố cáo, phơi bày những hành động hoặc sai lầm của người khác, hoặc thậm chí để làm nhục họ trước công chúng.
Thời gian gần đây hay xảy ra tình trạng khi có sự việc gì đó xảy ra không như ý muốn, người ta không góp ý thẳng thắn, chân thành trước mặt, không cho người khác có cơ hội được sửa sai mà ngay tức khắc chụp ảnh tin nhắn trong nhóm Zalo hoặc quay video để tung lên mạng xã hội một cách tùy tiện.
Đó có thể là một em học sinh lớp 10 hay cũng có thể là một phụ huynh có con học tiểu học hoặc là bất cứ một ai trong xã hội này đều tự cho mình cái quyền được bóc phốt người khác trên mạng xã hội.
Có những người khi giao tiếp bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng luôn bí mật ghi âm các cuộc hội thoại với bạn bè, đồng nghiệp và lưu giữ có khi 10 năm sau mới lại lấy ra để làm bằng chứng tố cáo người khác.
Bất cứ ai cũng tự cho mình được quyền làm quan tòa phán xét người khác một cách vô tội vạ trên mạng, lao vào chửi bới người khác một cách tàn nhẫn không thương tiếc.
Những sự việc đáng buồn cứ diễn ra hàng ngày làm nhiều người luôn cảm thấy không an toàn khi bước chân ra đường. Lúc nào cũng lo sợ mình bị ai đó chụp ảnh, ghi âm và tung lên mạng xã hội. Làm việc gì cũng thấy phải đề phòng lòng người hẹp hòi, đố kỵ, bạc bẽo.
Không thể sống hồn nhiên, nghĩ gì nói đó như thời xưa. Bởi vì, ai cũng sợ một ngày nào đó mình lại trở thành một nạn nhân của mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nghiêm túc suy nghĩ lại và rút kinh nghiệm cho chính mình sau những câu chuyện đáng buồn vừa qua.
Nhiều người chỉ sử dụng mạng xã hội như một trò chơi và không ý thức được rằng việc đăng bài bóc phốt không chỉ gây ra những tổn thương tinh thần cho người bị hại mà còn có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng cho người thực hiện hành vi này.
Tôi thực sự mong mỏi rằng, người Việt sẽ dần thay đổi thói quen bóc phốt người khác trên mạng xã hội. Chúng ta hãy giải quyết mọi việc trong hòa bình, ứng xử văn minh, có tính nhân văn. Chúng ta cùng cần phải học văn hóa ứng xử trên không gian mạng, dạy con mình cách sử dụng mạng xã hội.
Vũ Thị Minh Huyền